ناشر الأصول

null Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo

Trang chủ Tin tức

Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo

Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo được xây dựng vào ngày 22/8/2022, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) là công trình trưng bày hiện vật, hình ảnh về lịch sử hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo, phục vụ du khách tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Công trình có diện tích hơn 2.500 m2, với 33 vách trưng bày hiện vật, hình ảnh về lịch sử hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và 18 vách trưng bày 06 chuyên đề Văn hóa Óc Eo.  

Công trình Nhà trưng bày Xứ ủy Nam bộ Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo tọa lạc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Ảnh: Minh Kha

Công trình bao gồm các hạng mục như: Sảnh và lễ tân, không gian tưởng niệm, phòng trưng bày chuyên đề Xứ ủy Nam Bộ, phòng trưng bày Văn hóa Óc Eo, phòng thuyết minh, kho hiện vật v.v.. Tổng mức vốn đầu tư là hơn 55 tỷ đồng.   

Sảnh trung tâm của Nhà trưng bày có diện tích 430 m2, ở giữa sảnh được trang trí biểu tượng hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp bình dị kiên cường của người dân vùng Đất Sen hồng, với hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:

“Tháp Mười đẹp nhứt bông Sen

Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”

Phía sau biểu tượng hoa Sen là không gian tưởng niệm, bên phải là bia tưởng niệm các vị anh hùng tham gia trong cuộc khởi nghĩa của Thiên hộ Võ Duy Dương tại đại bản doanh Gò Tháp. Bên trái là bia tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo của Xứ Ủy và Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tại chiến khu Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1945 – 1949).

Phòng trưng bày chuyên đề về Xứ ủy Nam Bộ

Điểm nổi bật của nhà trưng bày, đó là không gian trưng bày về Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo. Trong đó, phòng trưng bày chuyên đề về Xứ ủy Nam Bộ có diện tích khoảng 1.200 m2, với các nội dung về bối cảnh lịch sử, sự hình thành, phát triển và vai trò lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Đồng Tháp Mười giai đoạn 1945 - 1949.   

Không gian trưng bày với 33 vách trưng bày các hiện vật, hình ảnh thể hiện 03 chuyên đề, cụ thể: Chuyên đề 1 - Nam Bộ chuẩn bị chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2; Chuyên đề 2 - Xứ uỷ Nam Bộ vừa lãnh đạo kháng chiến vừa củng cố và xây dựng lực lượng; Chuyên đề 3 - Từ căn cứ bưng biền Đồng Tháp Mười, Xứ uỷ lãnh đạo quân và dân Nam Bộ xây dựng lực lượng để kháng chiến và kiến quốc. Phần kết, Đồng Tháp Mười vươn tới tương lai. 

Bức tranh thể hiện khái quát về quá trình hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ tại chiến khu Đồng Tháp Mười từ năm 1946 - 1949

Các hiện vật, hình ảnh được trưng bày, thể hiện theo dạng bảo tàng trình bày theo biên niên. Lấy các diễn biến của sự kiện lịch sử làm mạch dẫn, đưa người xem qua quá trình thời gian, qua đó nêu bật chủ đề trưng bày. Mở đầu không gian trưng bày về Xứ ủy Nam Bộ là bức tranh thể hiện khái quát về quá trình hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ tại chiến khu Đồng Tháp Mười từ năm 1946 đến năm 1949. 

Trong không gian này, với mỗi chuyên đề sẽ có các nội dung khác nhau như: Giành độc lập 1945; tình hình và âm mưu của địch; cuộc kháng chiến bắt đầu; từng bước xác lập sự lãnh đạo của Xứ ủy; các lực lượng chi viện cho Nam Bộ kháng chiến; từng bước thống nhất các lực lượng kháng chiến; Nam Bộ cùng toàn quốc kháng chiến; Xứ ủy tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp; củng cố xây dựng chính quyền kháng chiến v.v.. Toàn bộ Khu trưng bày chuyên đề về Xứ ủy Nam Bộ sẽ có tổng cộng hơn 938 bức ảnh, tranh, hiện vật, hiện vật phục dựng, bản trích v.v..

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, sau gần 04 năm đóng tại chiến khu Đồng Tháp Mười, Xứ ủy Nam Bộ đã được quân và dân nơi đây hết lòng, hết sức, tạo mọi điều kiện để chăm sóc, bảo vệ tuyệt đối an toàn. Xứ ủy Nam Bộ đã xây dựng được mô hình căn cứ địa làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, biến mỗi công dân là một người lính, mỗi làng mạc là một chiến hào. Trải qua bao năm tháng chiến tranh, đồng bào nhân dân Đồng Tháp Mười đã một lòng phấn đấu, xây dựng quê nhà này càng giàu đẹp như hôm nay.  

Phòng trưng bày chuyên đề về Văn hóa Óc Eo

Không gian trưng bày về Văn hóa Óc Eo có diện tích khoảng 650 m2, không gian được thể hiện bằng hình thức bộ sưu tập, lấy trọng tâm là việc trình bày các hiện vật gốc về Văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp cách nay gần 2.000 năm. Ngoài ra, còn giới thiệu bộ sưu tầm các hiện vật khảo cổ tại địa phương, nơi có nhiều di tích Văn hóa Óc Eo.

Không gian gồm 18 vách trưng bày, 06 chuyên đề Văn hóa Óc Eo: Chuyên đề 1 - Giới thiệu về Văn hoá Óc Eo và Vương quốc Phù Nam tại Nam Bộ; Chuyên đề 2 - Bộ sưu tập hiện vật về tín ngưỡng, tôn giáo; Chuyên đề 3 - Bộ sưu tập hiện vật kiến trúc; Chuyên đề 4 - Bộ sưu tập hiện vật nghề kim hoàn; Chuyên đề 5 - Bộ sưu tập hiện vật các đồ dùng trong sản xuất; Chuyên đề 6 - Bộ sưu tập hiện vật các đồ dùng trong sinh hoạt. 

Mở đầu không gian trưng bày là Sa bàn thể hiện sự phân bố các di tích Văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở Nam Bộ. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, Nam Bộ có 02 trung tâm Văn hóa Óc Eo tiêu biểu đó là ở Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (tỉnh An Giang) và Khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp). Hai bên là 02 bản sao tượng thần Vishnu có niên đại thế kỷ VI và thế kỷ VII, được khai quật tại di tích Gò Tháp Mười và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013 và năm 2015.

Ngoài ra, còn có chân dung của 03 nhà khoa học tiêu biểu trong nghiên cứu và phát hiện ra Văn hóa Óc Eo, Vương quốc Phù Nam gồm: Nhà Sử học Paul Pellot, Giám đốc viện Viễn Đông Bác cổ George Coedes, Nhà khảo cổ học Louis Mallere.

Theo kết quả khảo cổ học, Gò Tháp là một trong những trung tâm tôn giáo của Văn hóa Óc Eo, bởi nơi đây phát hiện được nhiều di tích đền thần Hindu giáo như: Đền thần mặt trời Surya, Đền thần Vishnu và Đền thần Shiva là những vị thần quan trọng trong Hindu giáo của cư dân Văn hóa Óc Eo.

Một số hiện vật của bộ sưu tập hiện vật về tín ngưỡng, tôn giáo của nền Văn hóa Óc Eo

Ở chuyên đề trưng bày hiện vật về tín ngưỡng, tôn giáo của nền Văn hóa Óc Eo, có khoảng 80 hiện vật như: Tượng linga và yoni, cánh tay tượng thần, tượng Bò thần Nandin v.v.. Những hiện vật này được tìm thấy trong quá trình sưu tầm và nhiều đợt khai quật khảo cổ ở Gò Tháp qua các năm: 1996, 2009, 2010, 2013, 2016. Đây là những hiện vật được làm từ đá và đất nung.

Trong tủ trưng bày các đồ dùng trong sản xuất của cư dân Óc Eo, với những đồ dùng được làm từ gốm, thủy tinh, đá và gỗ như: Dọi xe chỉ, bàn dập, bàn xoa, chung, chì lưới, hạt chuỗi, xỉ thủy tinh, phát vật Yoni, nọc cấy, rìu v.v.. Đây là những công cụ mà cư dân Óc Eo dùng để đánh bắt, trồng trọt và sản xuất.

Ở chuyên đề trưng bày các hiện vật kiến trúc của nền văn hóa Óc Eo với nhóm hiện vật làm bằng gạch, đá, gỗ gồm: Phiến đá xanh có khắc chữ, đá kiến trúc, cột đá, cọc gỗ, diềm ngói trang trí hoa sen, diềm ngói hình thần Shiva v.v..  

Đặc biệt, không gian còn trưng bày các hiện vật khuôn đúc đồ trang sức được làm từ đá và gốm, khuyên tai, cây trâm, sợi dây vàng, nhẫn vàng, mảnh vàng lá chạm hình một con bò, vòng đeo tay bằng đồng v.v.. Hiện nay, Gò Tháp đã có bộ sưu tập vàng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về “Bộ sưu tập vàng Văn hóa Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”.  

Văn hóa Óc Eo được hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII, là một trong 03 nền văn hóa lớn đi vào khảo cổ Việt Nam. Tại không gian trưng bày về Văn hóa Óc Eo du khách sẽ có cơ hội tham quan, khám phá nhiều hiện vật, với nhiều nhóm chủ đề từ nguồn gốc hình thành Văn hóa Óc Eo đến các hoạt động sinh hoạt đời sống, sản xuất và văn hóa tinh thần tín ngưỡng của cư dân Óc Eo.  

Với giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng và tầm vóc to lớn của nền văn minh cổ nên Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo khi đưa vào hoạt động sẽ là một trong những địa chỉ đỏ đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Nhà trưng bày góp phần giúp Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp trở thành nơi tập hợp đủ các sản phẩm phục vụ cho mọi đối tượng, từ du lịch về văn hóa, về thiên nhiên, về khảo cổ và lịch sử cho đến truyền thống đấu tranh cách mạng.  

Việt Tiến