Xuất bản thông tin

null Các mô hình góp phần phát triển du lịch Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức

Các mô hình góp phần phát triển du lịch Đồng Tháp

Qua 5 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020, hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” đạt được độ nhận diện cao trong du khách và truyền thông. Trong đó, các mô hình du lịch được sáng tạo liên tục, góp phần phát triển nhiều điểm du lịch cộng đồng được đánh giá cao.

Đầu tiên phải kể đến Hội quán Cùng nhau làm du lịch, ra đời trong bối cảnh các điểm du lịch ở làng hoa Sa Đéc hình thành nhưng “mạnh ai nấy làm”. Hội quán ra đời nhằm liên kết các điểm tham quan, homestay để phát triển thương hiệu du lịch làng hoa Sa Đéc, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Bước đầu mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, ban đầu có 15 thành viên tham gia, đến nay hội quán có 24 thành viên. Trong đó, có 5 doanh nghiệp bên ngoài TP Sa Đéc là Cơ sở ăn uống Sen House Coffee, Khách sạn Huỳnh Đức (TP Cao Lãnh), Điểm tham quan du lịch Thiên Phú, Điểm tham quan vườn trái cây Minh Phát (huyện Cao Lãnh), Điểm tham quan vườn cam, quýt Bá Chuốt (huyện Lai Vung). Thời gian qua, hội quán đã xây dựng và chào bán thành công sản phẩm du lịch chung của làng hoa và liên kết với các điểm vườn cây ăn trái cho Vietravel và Saigontourist.

Mô hình thứ hai là Việt Mekong Farmstay tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông của Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Việt Mekong. Đây là mô hình nông trại cung cấp gói du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực nông nghiệp thuận tự nhiên Đồng Tháp Mười cho khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Mô hình còn có ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vùng ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu; phát huy giá trị nông nghiệp bền vững và góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao đời sống người dân Tam Nông; kết nối và nâng cao chuỗi giá trị kinh tế địa phương Đồng Tháp từ truyền thống đến du lịch có trách nhiệm.

Mô hình thứ ba là Happy Land Hùng Thy, tại TP Sa Đéc của anh Nguyễn Ngọc Hùng, vốn kế thừa truyền thống sản xuất và kinh doanh hoa kiểng đã qua 3 thế hệ của gia đình. Thời điểm đầu, các hộ tại làng hoa Sa Đéc chỉ chuyên sản xuất thuần túy, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và TP Sa Đéc vận động các hộ có tiềm năng đầu tư phát triển du lịch. Hùng Thy là một trong những mô hình tiên phong trong kết hợp giữa sản xuất hoa kiểng và du lịch. Tại Hùng Thy, bên cạnh không gian xanh cùng các loại hoa kiểng đa sắc, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi thú vị như chèo xuồng, bơi thúng, đi cầu thăng bằng, đu dây qua sông, chạy xe đạp qua cầu khỉ, tát ao bắt cá... Vì vậy, Happy Land Hùng Thy là một trong những địa chỉ thu hút các hãng lữ hành, công ty, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động team building. Do yêu cầu của khách du lịch ngày càng cao, anh Nguyễn Ngọc Hùng liên tục đổi mới, bổ sung sản phẩm, dịch vụ, đầu tư các tiểu cảnh; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ và nguồn nhân lực; liên kết với các điểm du lịch, homestay… tại làng hoa Sa Đéc để phát triển đa dạng và bền vững.

Một mô hình nổi bật nữa là Homestay Flower and Fog Hùng Trang, tại TP Sa Đéc, của ông Trần Thanh Hùng. Nhận thấy nhu cầu của du khách không chỉ dừng lại ở việc tham quan chụp ảnh cùng hoa kiểng, mà rất nhiều khách mong muốn trải nghiệm trồng, chăm sóc hoa kiểng, cũng như được sống thực trong không gian của làng hoa Sa Đéc, ông Trần Thanh Hùng đã mạnh dạn đầu tư Hùng Trang. Mô hình đem đến cho du khách các hoạt động trải nghiệm nuôi ếch, trồng hoa và nấu các món ăn đậm chất miền Tây. Homestay thường xuyên được du khách chấm điểm 5 sao về chất lượng dịch vụ.

Một điểm chung của các mô hình trên là có sự kết nối chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh Đồng Tháp. Chủ các doanh nghiệp cũng thường xuyên tham gia các lớp cung cấp kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức, nên ngày càng tự tin và mạnh dạn hơn trong sáng tạo những sản phẩm mới, góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại đất Sen Hồng.

Ban Biên tập