Xuất bản thông tin

null Ẩm thực khẩn hoang – Nét đặc trưng trong Văn hoá Ẩm thực của Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức

Ẩm thực khẩn hoang – Nét đặc trưng trong Văn hoá Ẩm thực của Đồng Tháp

Đồng Tháp là 1 trong 3 tỉnh thuộc Vùng Đồng Tháp Mười. Vì vậy, ẩm thực Đồng Tháp mang đậm tính hoang dã của ẩm thực Đồng Tháp Mười nói riêng và ẩm thực Nam Bộ nói chung. Đặc điểm này được hình thành trên cơ sở của những điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng đất Nam Bộ, gắn với công cuộc khẩn hoang của người dân nơi đây trong những ngày đầu lịch sử khai phá vùng đất này. Những cái khó khăn, khắc nghiệt trong vùng Đồng Tháp Mười trước đây, thời mà “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh”, trên đồng đầy cỏ năn, dưới kênh nước phèn đặc quánh. Tính hoang dã trong văn hóa ẩm thực của người dân Đồng Tháp nói riêng và nhân dân Nam Bộ nói chung đã định hình từ lúc ấy. Kỳ này, Công thông tin du lịch Đồng Tháp xin giới thiệu đến quý bạn đọc những món ăn mang đậm chất khẩn hoang vẫn được lưu giữ và trở thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của Đồng Tháp.

Ẩm thực khẩn hoang – Nét đặc trưng trong Văn hoá Ẩm thực của Đồng Tháp

Cá lóc nướng trui

Với hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, sản vật nơi đây rất phong phú:

“Ai ơi về miệt Tháp Mười,

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn

Nói đến cá thì cá lóc là loại cá được ưa chuộng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà nhất là Đồng Tháp. Cá lóc  được người dân chế biến rất nhiều món: canh chua cá lóc, cá lóc hấp mận, khô cá lóc, cá lóc kho tiêu,.. Nhưng cá lóc nướng trui lại thể hiện rõ nét nhất nét văn hoá ẩm thực khẩn hoang.

Là một món ăn dân dã đặc trưng với hương vị độc đáo và cách chế biến rất đơn giản. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc ta. Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt lên, rửa sạch, được xiên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm. Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm nước mắm chua cay ngọt theo kiểu miền Tây hoặc chấm với nước mắm me. và thường được cuốn với bánh trángrau thơm các loại.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch, món cá lóc nướng trui trở thành món ăn đặc sản nức tiếng, và hình thức cũng có chút thay đổi. Đến với Đồng Tháp, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non là đặc sản không thể thiếu trên bàn ăn.

Lẩu cá linh bông điên điển

Khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa nước nổi ở Ðồng Tháp và cũng là mùa cá linh sinh sôi, mùa bông điên điển nở vàng ven các sông. Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi của Ðồng Tháp, người dân địa phương thường dùng chúng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món ngon đặc sản hấp dẫn và nổi tiếng nhất du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi chính là lẩu cá linh bông điên điển.

Theo kinh nghiệm ăn uống ngon và rẻ khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi, thì lẩu cá linh bông điên điển ngon nhất là vào đầu mùa nước nổi, bởi lúc này cá linh chưa lớn hẳn nên xương rất mềm, thịt ngọt, bụng lại có chút mỡ nên ăn rất ngon và béo ngậy. Ðặc biệt, bông điên điển đầu mùa cũng thơm, bùi và giòn hơn những thời điểm khác. Sự kết hợp của cá linh và bông điên điển sẽ đem lại một hương vị thơm ngon, thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào bạn đã từng ăn có được.

Ăn kèm với món ngon đặc sản nổi tiếng mùa nước nổi này là bún tươi, cơm trắng, mắm ớt và một số loại rau đặc trưng khác.

Lẩu cá linh bông điên điển

Bông súng mắm kho

Nói đến mắm kho bông súng thì địa danh Đồng Tháp đã đi vào ca dao tục ngữ để chỉ đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười này:

“Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.

Là một món ăn dân dã đặc trưng và phổ biến ở Ðông Tháp nhất định phải thử một lần. Du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi không chỉ là mùa của bông điên điển mà còn là mùa hoa súng. Người dân nơi đây thường chọn những bông súng trắng, cọng nhỏ và mọc ở đìa, bởi đây mới là những bông súng mềm, ngon và ngọt. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác.

Bông súng mắm kho

Các món ăn từ ếch đồng

Mùa nước nổi đã mang đến cho Ðồng Tháp rất nhiều món ăn ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn ngon từ ếch đồng.

Ếch vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon, hấp dẫn và giàu dinh dưỡng nên dân miệt vườn Miền Tây gọi ếch là “gà đồng”.Chính vì thế, ếch đồng luôn là một trong những món ăn ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi.

Trước đây, bà con nông dân đi làm đồng bắt được ếch thường đem đi nướng, để phục vụ thực khách như ếch chiên bơ, chiên nước mắm, ếch kho tộ, ếch nấu canh chua cơm mẻ, ếch nấu cà-ri, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng hay nấu cháo ếch….

Ếch nướng xả ớt là món ăn rất phổ biến tại các nhà hàng

Ếch rất dễ chế biến và món nào cũng ngon nhưng Cà ri ếch là món ăn mà bạn nhất định phải thử khi đến các tỉnh Miền Tây vào mùa nước nổi.

Cà ri ếch

Ếch núp lùm (hay còn gọi là ếch chiên rơm) cũng là một món lạ miệng không thể bỏ qua khi đến với Đồng Tháp

Chuột quay lu

Nhắc những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi, đến chắc chắn không thể bỏ qua món chuột quay lu Cao Lãnh.

Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột xào lăn, xé phay, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng,…nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Ðồng Tháp không thể bỏ qua.

Món chuột quay lu độc nhất vô nhị

Bên cạnh đó, với hệ sinh thái đặc trưng của Tiểu Vùng Đồng Tháp Mười, các loại rau hoang dã như rau đắng, cải trời, so đũa, tai tượng… đến các loại lá như cây, đọt cây như: lá xoài non, lá cách, lá lốt, đọt bần, đọt chùm ruột, đọt xoài, đọt ổi, đọt cơm nguội,…rất được người dân ưa chuộngẨm thực khẩn hoang Nam Bộ dù không cầu kì trong khâu bày trí nhưng vẫn rất hấp dẫn bởi sự tươi ngon, dồi dào của nguyên liệu sự giản đơn mộc mạc trong chế biến, thưởng thức nhưng vẫn mang một nét rất riêng không pha lẫn, điều đó đã làm nên những điểm đặc trưng độc đáo trong văn hóa ẩm thực của Đồng Tháp nói riêng và Nam Bộ nói chung, để lại ấn tượng khó quên cho du khách phương xa.

Khánh Vân