Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp có thêm 04 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp có thêm 04 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ký Quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với: Địa điểm đóng quân của lực lượng An ninh khu VIII (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh); đình Phong Hòa (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung); đình Trà Bông (xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) và đình Tân  Thạnh (xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình).

1. Địa điểm đóng quân của lực lượng An ninh khu VIII (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh)

Di tích Địa điểm đóng quân của lực lượng An ninh Khu VIII tọa lạc tại ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Nơi đây là căn cứ của lực lượng An ninh Khu VIII từ năm 1955 đến năm 1959 và có nhiều địa điểm gắn với lịch sử An ninh Khu VIII như: Kênh Xáng Phèn, Kênh Hội Đồng Tường, gần kênh Nhứt. Khu vực xã Mỹ Long cũng là nơi dừng chân, hoạt động của lãnh đạo Trung ương Cục, Xứ ủy Nam Kỳ, Khu ủy Khu VIIIlà công trình mang ý nghĩa lịch sử, là nơi ghi dấu sự kiện của lực lượng An ninh Khu VIII trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Khu VIII (cũ): Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre đối với những Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng đã không ngại hy sinh gian khổ, bảo vệ nền độc lập tự chủ cho thế hệ hôm nay.

Tổng thể di tích được xây dựng trên diện tích 05 ha, bao gồm các hạng mục chính: cổng và hàng rào, khuôn viên, quảng trường, tượng đài chiến sĩ An ninh khu VIII, nhà truyền thống An ninh khu VIII, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng liệt sĩ An ninh khu VIII, nhà quản lý và đón tiếp, chòi nghỉ chân được thiết kế thẩm mỹ mang giá trị nghệ thuật cao.

Đây còn là nơi trưng bày các kỷ vật, hiện vật lịch sử, những bức ảnh, thước phim tư liệu thể hiện những chiến công oanh liệt, những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của cán bộ, chiến sĩ An ninh Khu VIII; một địa chỉ giáo dục truyền thống của Công an nhân dân, nhất là tuổi trẻ Công an hiểu sâu sắc hơn về truyền thống hào hùng của ông, cha từ đó củng cố niềm tin vững chắc vào con đường, sự nghiệp cách mạng mà Đảng lãnh đạo, ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến, bảo vệ các thành quả cách mạng, nổ lực vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Phối cảnh tổng thể di tích Địa điểm đóng quân của lực lượng An ninh Khu VIII

2. Đình Phong Hòa (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung)

 Đình Phong Hòa

Đình Phong Hòa (đình Tân Phong) được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, mang tên gọi của làng lúc bấy giờ là Tân Phong (thuộc Hạt Cần Thơ) nay là xã Phong Hòa, huyện Lai Vung; đình được vua Tự Đức ban cấp sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh vào năm Tự Đức thứ năm (1852) , là cơ sở tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân cư trong buổi đầu định cư và xây dựng đời sống mới, qua đó phản ánh sinh động quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa tâm linh ven sông Hậu. 

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của đình thần ở Nam Bộ. Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, đình Phong Hòa vẫn giữ được nét uy nghi và cổ kính. Từ kết cấu kiến trúc đến cách bày trí, sắp xếp các vật dụng thờ tự điều mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Dù đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng các hoa văn trang trí của đình vẫn giữ được  các nét chạm khắc tinh tế các đề tài theo truyền thống như: long - lân - quy - phụng, hạc - quy, hoa - lá - quả..., đình vẫn bảo tồn và lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, nghệ thuật như: sắc phong, liễn đối, bao lam, hoành phi, án thờ, và nhiều vật dụng thờ tự khác. Lễ Kỳ yên ở đình Phong Hòa diễn ra theo thông lệ: Thượng điền (ngày 16 và 17 tháng 04 ÂL), Hạ điền (ngày 16 và 17 tháng 11 ÂL) hằng năm thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia lễ hội.

3. Đình Trà Bông (xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh)

Đình Trà Bông

Đình Trà Bông tọa lạc tại xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, được xây dựng vào thời vua Thiệu Trị nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng; là nơi phụng cúng 06 lá sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh do vua Thiệu Trị và vua Tự Đức ban cho đình. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp, đình Trà Bông là nơi mở các lớp học chữ, tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, thi đua ái quốc; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Trà Bông là nơi lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và thị xã Cao Lãnh cùng các cán bộ ban ngành tỉnh dùng làm nơi họp bàn phương án, chiến lược giải phóng thị xã Cao Lãnh, chuẩn bị Tổng tấn công xuân Mậu Thân (1968) và là nơi cơ quan Thông tấn Báo chí chọn làm cơ sở để hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Ngoài ra, đình còn là minh chứng cho các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt của địch vào vùng giải phóng nhằm tiêu diệt lực lượng chiến đấu của ta; tuy bị địch ném bom làm hư hỏng nặng nhưng đình Trà Bông vẫn là nơi đóng quân của bộ đội, du kích, các Cơ quan, Ban Ngành của tỉnh xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng, truyền bá lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh nhà.

Trải qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ nhưng đình Trà Bông vẫn mang nét kiến trúc tiêu biểu của đình Nam bộ. Đặc biệt đình lưu giữ 06 lá sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh còn nguyên vẹn, đó là tư liệu Hán Nôm quý giá để thế hệ tương lai nghiên cứu tìm hiểu và phổ biến tri thức khoa học xã hội đến với cộng đồng. Hằng năm đình Trà Bông tổ chức lệ cúng Hạ điền (mùng 9, mùng 10 tháng 04Âl), Thượng điền (mùng 9, mùng 10 tháng 11 Âl) nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân được sung túc ấm no.

4. Đình Tân Thạnh (xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình)

Đình Tân Thạnh

Đình Tân Thạnh được hình thành từ khá sớm gắn liền với quá trình khai hoang, lập ấp của cư dân trên vùng đất mới. Căn cứ theo lá sắc phong được cấp niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 5 (1845) chứng tỏ ngôi đình đã được xây dựng trước năm 1840, mang tên gọi của làng. Đình Tân Thạnh là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và Đại càn Quốc gia Nam hải được vua Thiệu trị ban Sắc phong vào năm 1845. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc tiêu biểu của đình làng Nam bộ: Kiến trúc Tứ trụ kiểu nhà bát dần với bốn nóc mái. Trên các nóc mái và diềm mái trang trí hình song long tranh châu, cá hóa rồng, Phụng… bằng xi măng nhiều màu mang ý nghĩa âm dương hòa hợp, sự trường tồn vĩnh cửu và an cư lạc nghiệp. Bên trong ngôi đình được trang trí bằng hệ thống cột gỗ tròn căm xe, bao lam, hoành phi, liễn đối trải dài từ gian Vỏ ca đến gian Chánh điện. Bao lam, hoành phi và liễn đối được chạm lọng, chạm thủng một cách tinh xảo với đề tài tứ linh, hoa lá, hổ phù…tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đây được xem là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của những nghệ nhân điêu khắc gỗ đã dùng nhiều kỹ thuật chế tác, để tạo ra những đồ án thể hiện nhiều đề tài trang trí theo phong cách mỹ thuật nhà Nguyễn với nhiều nội dung phong phú rất tinh vi, mềm mại, uyển chuyển nhằm gửi gắm niềm tin, ước vọng mong cầu cuộc sống tốt đẹp của mình vào những vị Thần, những bậc tiền nhân đã tiên phong gầy dựng nên làng mạc giúp cho dân làng có được cuộc sống an cư lạc nghiệp.

Đình có ba lệ cúng chính diễn ra trong năm gồm: Khai sơn mùng 7 tháng giêng âm lịch, lễ cúng Hạ điền tổ chức thời gian 3 ngày ( ngày 15,16,17 tháng 6 âm lịch, lễ Cúng Thượng điền tổ chức ngày 16 tháng 12 ( tháng Chạp).

Tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp có tổng cộng 98 di tích. Trong đó, có 81 di tích cấp tỉnh, 16 di tích Quốc gia, 01 di tích Quốc gia đặc biệt.

                                                                                                Nguyễn Thị Phước Chung