Xuất bản thông tin

null Đến với Hòa An như được du lịch cùng “nàng tiên” miệt vườn

Chi tiết bài viết Tin tức

Đến với Hòa An như được du lịch cùng “nàng tiên” miệt vườn

Hòa An là một xã trực thuộc thành phố Cao Lãnh (TPCL), có diện tích tự nhiên 1.122,5 hecta được chia làm 6 ấp, có 4.486 hộ; là địa danh có bề dày lịch sử và có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường.

Chẳng những để lại dấu ấn lịch sử không thể nào quên đó là Chi bộ Đảng đầu tiên của Tỉnh, ra đời (tháng 11/1929), mà từ sau ngày giải phóng đến nay bà con xã Hòa An chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tạo diện mạo mới, khôi phục lại “danh hiệu” mận Hòa An vốn nổi tiếng ở TPCL, bị mai một thời gian qua, nhằm gìn giữ giá trị văn hoá tinh thần tốt đep của người xưa để lại; tạo nét đặc trưng cho TPCL - Tên cây gắn liền tên đất xuất hiện trên 100 năm. Bông mận rất đẹp, trái mận chế biến nhiều món ăn ngon. Mận Hoà An đã lọt vào tốp 20 món ăn ngon và mới lạ ở Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố. Đây là nơi lý tưởng cho việc nghỉ ngơi, thư giãn sau những tháng ngày lao động mệt nhọc; mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho những ai đến với Hòa An  như được du lịch cùng “nàng tiên” miệt vườn.

Đầu tiên phải nghe “nàng tiên” kể đến điểm tham quan công trình di tích lịch sử Hòa An

“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Đúng vậy, người Hòa An làm du lịch thì ít nhiều gì cũng giới thiệu cho du khách biết rằng đây là một trong những điểm đến có ý nghĩa như đi “về nguồn” hay đi ‘tìm địa chỉ đỏ”. Nơi sớm hưởng ứng phong trào Cách mạng Vô sản do Bác Hồ kính yêu tiếp thu và truyền bá về Việt Nam, là một trong những cái nôi Cách Mạng ở Đồng Tháp được ghi vào lịch sử. Đặc biệt, trong những năm 20, Hòa An vinh dự đón Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc về đây gieo cấy tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm, giúp cho truyền thống yêu nước vốn có của Nhân dân Hòa An được nhân lên gấp bội. Những cống hiến to lớn đó, nhất là thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân Hòa An và một đảng viên là Trần Thị Thu vinh dự được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Niềm vinh dự, tự hào này chẳng riêng của Đảng bộ và Nhân dân Hòa An, mà còn là của toàn Đảng, quân và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Trên tuyến đường Hòa Đông thuộc xã Hòa An có hai công trình lịch sử - văn hóa, đó là nhà bia ghi danh liệt sĩ và bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Nhà bia và bia đặt tại ấp Hòa Lợi, xã Hòa An - nơi đây Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời, lúc đó tên gọi là An Nam Cộng sản Đảng. Chi bộ có 6 đảng viên (3 người Hòa An). Bia có thiết kế là chiếc búa liềm to, tượng trưng lá cờ Đảng. Trên đầu búa là bông sen cách điệu với nhiều cánh chồng lên như những trang lịch sử, chính giữa là vòng cung nổi có dòng chữ An Nam Cộng sản Đảng. Phía dưới là hàng chữ Chi bộ đầu tiên. Bia được đặt trên nền cao. Phía trước là khoảng sân và đường đi vào xây bê tông, có những bồn hoa, cây cảnh đẹp. Bên cạnh có 10 cây to tỏa bóng mát. Phía sau còn có những hàng cây mù u.

Hình 1. Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp

Ngoài ra, trên địa bàn xã Hòa An còn có 01 chùa Kim Quang tại ấp Đông Bình, xã Hòa An (tiếp giáp Phường 6, TPCL), 01 đền thờ Quan Thánh Đế Quân tại ấp Đông Bình (gần chợ Thông Lưu). Nơi đây cũng là điểm đến của du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh đã trở thành nét đẹp văn hóa của của dân tộc Việt Nam, nói chung được lưu truyền từ ngàn đời nay, là mảnh ghép để ngày lễ hội, tết Nguyên Đán thêm vẹn tròn. Không chỉ đảnh lễ, chiêm bái, cầu bình an cho gia đạo mà đến nơi du lịch tâm linh tâm hồn như thanh tịnh, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đại bộ phận Nhân dân.

Tiếp theo nghe “nàng tiên” kể đến điểm du lịch cộng đồng Hòa An

Homestay miệt vườn là loại hình du lịch kiểu mới và độc đáo của tỉnh Đồng Tháp, trong đó có xã Hòa An, TPCL. Mô hình này được đánh giá rất phù hợp cho những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống dân dã của miền Tây. Vào tháng 12/2020, tỉnh Đồng Tháp chính thức khai trương điểm du lịch cộng đồng Duyencasa Hoà An Homestay.

Hình 2. Đại biểu cắt băng khai trương Điểm du lịch cộng đồng Duyencasa Hoà An Homestay

Đây là điểm du lịch cộng đồng, là một trong những nơi lưu trú lý tưởng nhất ở TPCL. Duyencasa có 02 cơ sở: Cơ sở 1 nằm trên đường Lê Văn Cử, nhà nghỉ thiết kế gắn liền với tự nhiên, với vườn du lịch xanh, như cây xoài, nhãn, mậm mỗi mùa vụ có một mùi thơm hoa đặc trưng. Cơ sở 2 nằm trên đường Rạch Bà Bướm, xã Hòa An, TPCL. Tổng quy mô của 02 cơ sở này khoảng 5.000 m2. thiết kế nhà nghỉ giai đoạn 2 theo kiểu hiện đại để du khách có thêm trải nghiệm không gian khác nhau, có sự mới mẻ cho du khách lựa chọn.

Đến đây, du khách được đạp xe tham quan vườn cây ăn trái ở Hòa An và các xã lân cận cùng với trải nghiệm, nghỉ dưỡng các dịch vụ homestay, hồ bơi... Đến với các điểm du lịch nhà vườn, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp của đồng quê mà còn có nhiều trải nghiệm khó quên. Đó là ngồi trong chồi lá nhỏ trong vườn và dạo quanh các khu vườn, thưởng thức nhiều cây thơm ngon, như mận, xoài và dùng những món ăn các loại đặc sản như cá lóc hấp mận Hòa an, mứt mận, mứt xoài, các món ngon từ xoài, mận… điểm du lịch nhà vườn còn có chương trình Đờn ca tài tử, hát cải lương, bán đồ lưu niệm... Xuất phát từ lòng yêu mến thiên nhiên, mong muốn quảng bá du lịch miệt vườn đến với du khách gần xa, mà chủ nhân của điểm du lịch cộng đồng Duyencasa Hoà An Homestay mới có ý tưởng hình thành điểm du lịch này. Đây cũng là điểm sáng cho việc gắn kết phát triển du lịch cộng đồng.

Khôi phục và phát triển vườn cây ăn trái, tạo điểm đến cho du khách tham quan

Với tiềm năng và lợi thế về thổ nhưỡng, sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh, phát triển kinh tế từ trồng cây ăn trái, trong đó cây xoài là chủ lực, có thương hiệu và tên tuổi tên trên thị trường trong và ngoài nước – Đó là Xoài Cao Lãnh. Thời gian gần đây, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu và cây ăn trái theo hướng liên kết các tiểu vùng có hệ thống đê bao vững chắc. Song song đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng tăng về số lượng lẫn chất lượng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, nhất là khôi phục và phát triển mận Hòa An.

Hình 3. Mận Hòa An – cây trồng được địa phương khôi phục và phát triển

Trước đây, hầu như nhà nào cũng có trồng, dọc theo đường Nguyễn Thái Học, ấp Hòa Long có hàng chục hộ trồng mận. Trồng không phải để ăn mỗi nhà mà là tự hào chung của đất Hoà An - Cao Lãnh. Nhưng do đô thị hóa, ảnh hưởng thời tiết và thị trường ngày càng có nhiều loại mận mới... nên diện tích trồng mận Hòa An ngày thu hẹp. Cuối năm 2015, Ủy ban nhân dân TPCL hỗ trợ nhà vườn khôi phục vườn mận gắn kết tham quan, có một vài hộ thực hiện, sản xuất theo quy trình an toàn, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và bao trái, những năm trước do không chăm sóc nên năng suất thấp, trái bị sâu rụng khắp vườn. Mới đây, nhà vườn bắt đầu chăm sóc trở lại và chiết cành trồng thêm cây trong vườn, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cây cao tuổi nhất hiện nay là 97 tuổi.

Hình 4. Hội Nông dân và Phòng kinh tế TPCL phối hợp tổ chức trình diễn khôi phục vườn mận

Khôi phục mận Hòa An chính là lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của người xưa để lại cho con người vùng quê xinh đẹp này; đồng thời, để phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, tới mùa ra hoa, kết trái nơi đây rộn ràng hơn, trái có vị chua ngọt, khi chín có màu hồng đặc trưng, trĩu cành từng chùm lơ lửng trên cây. Trái mận chế biến nhiều món ăn ngon như cá lóc hấp mận, nấu canh chua, lẩu mận, làm mứt... Ai cũng muốn dùng thử mỗi khi đi qua. Ở đâu cũng có mận nhưng mận Hòa An có vị khác như: chua, ngọt, chát nữa, ngon khác các loại mận kia. Giá bán bình quân 30 - 40 ngàn/kg... Mận là một trong những loại cây trồng được nhiều địa phương ưa chuộng.

Hình 5. Dĩa cá lóc hấp mận

 Điều rất đáng trân trọng là dù diện tích mận Hòa An hiện nay không còn nhiều nhưng trên địa bàn xã Hòa An vẫn còn khá nhiều hộ tâm huyết với việc bảo tồn giống mận quý mang tên địa phương mình. Hoạt động này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ các các hộ làm vườn mận đều nằm liền kề, xen kẻ với khu dân cư nông thôn. Điều này rất phù cho việc phát triển du lịch, du lịch vườn mận Hòa An có thể sẽ rất nên thơ và hữu tình, với các điểm du lịch nhà vườn, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, hương thơm ngát của bông mận kết hợp sự ngắm nhìn vẻ đẹp của bông mận, như vẻ đẹp của một “nàng tiên” nơi đồng nội mà còn có nhiều trải nghiệm khó quên, tạo thêm khu vui chơi giải trí bằng trò chơi dân gian bằng bông mận rất đẹp (lấy bông mận – quay dụ, kết vòng nguyệt quế, hoa cài tóc... để nhớ lại tuổi ấu thơ).

Hình 6. Bông mận

Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa kết hợp làm du lịch những người nông dân nơi đây luôn niềm nở chào đón du khách đến vườn, từ ấp Hòa Long dọc theo Nguyễn Hữu Kiến, Rạch Bà Bướm có nhiều hộ dân trồng giống mận Hòa An; năm qua có 26 hộ trồng mận, diện tích 2,7 hecta, sang năm nay vận động phát triển thêm 10 hộ trồng mận. Hiện có 36 hộ trồng mận với diện tích là 3,7 hecta. Thành lập 01 tổ hợp tác mận Hòa An gồm 16 thành viên, diện tích 1,7 hecta, mô hình mận hữu cơ có 8 thành viên, diện tích 0,97 hecta. Phát triển du lịch theo hướng mở rộng, khai thác các mối liên kết giữa các loại hình du lịch địa phương, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tổ chức làm du lịch, lợi ích của cộng đồng địa phương, có sự tham gia của cộng đồng, quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương để góp phần phát triển nông thôn của địa phương theo định hướng bền vững.

Hình 7. Mận Hòa An đang vào mùa thu hoạch

Xác định du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đối với xã Hòa An. Hòa An đã và đang liên kết điểm du lịch Duyencasa Homestay Hòa an với các hộ nhà vườn, các điểm du lịch trên địa bàn xã Tân Thuận Tây, trãi nghiệm đạp xe ven sông Tiền... Mặt khác, địa phương duy trì thực hiện năm văn minh đô thị, thực hiện vệ sinh và trồng hoa, cây xanh những đoạn cây xanh còn thưa đối với các tuyến đường đã đăng ký đối với xã và ấp, đến nay các tuyến đường hoa và cây xanh đã ra hoa và đâm chồi điều hơn, các tuyến đường sạch, đẹp và thông thoáng. Kết quả qua các tuần thực hiện có 861 cán bộ, công chức, giáo viên, đoàn viên, hội viên và 584 lượt quần chúng nhân dân tham gia. Hệ thống giao thông - thủy lợi được triển khai khá đồng bộ, trong đó có nhiều công trình được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con trong xã, sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan. Điều này cho thấy nhận thức và sự đồng thuận của Nhân dân về phát triển văn hóa - du lịch rất cao; là điều kiện thuận lợi để xã Hòa An thực hiện khôi phục diện tích giống mận này trong thời gian tới trong phục vụ phát triển du lịch tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

- Sản phẩm thương hiệu đặc trưng của địa phương còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ thấp, chưa tạo khả năng níu chân du khách quay trở lại.

- Chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm, mua sắm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn, giữ chân du khách lưu lại vài ngày.

- Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của lao động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển du lịch còn hạn chế.

- Chưa kết nối được nhiều với các tour, tuyến du lịch từ những khu vực lân cận.

- Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ; mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát.

Rút ra một số bài học kinh nghiệm quí báu

Thứ nhất, tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của xã Hòa An là động lực phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

Thứ hai, phát huy những lợi thế của địa phương, tiếp tục phát triển hoàn chỉnh sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu điểm – được như thế thì du lịch phát triển bền vững.

Thứ ba, chỉ có phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khai thác hợp lý các nguồn lực thì mới phát triển du lịch.

Thứ tư, làm tốt công tác liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường thì góp phần nâng cao đời sống nhân dân, người thụ hưởng cũng là khách du lịch đầu tiên là người dân địa phương.

Thứ năm, nếu như địa phương Hòa An làm tốt hơn nữa công tác liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường thì sẽ góp phần nâng cao cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của Nhân dân Hòa An. Hòa An nhất định sẽ nằm trong tốp đầu cụm du lịch của Tỉnh.

Để “Nàng tiên” du lịch miệt vườn Hòa An phát triển nhanh và bền vững, cần lắm một số giải pháp:

1. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các mô hình câu lạc bộ, mô hình tự quản, hội quán… trong việc xây dựng du lịch miệt vườn Hòa An thực sự là “Điểm đến du lịch hấp dẫn – an toàn – thân thiện – chất lượng". Không để tình trạng“chặt chém du khách” xãy ra mà làm mất đi hình ảnh đẹp của người dân vùng cách mạng này. Lấy du khách tuyên truyền cho du khách nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch.

2. Nhà vườn là du lịch phải gắn kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các kỹ sư để áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến đối với loại cây ăn trái. Đồng thời, nắm kiến thức để làm hướng dẫn viên du lịch cho cơ sở mình.   

2. Liên kết các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú đưa du khách và đầu tư khai thác dịch vụ tại các khu, điểm dự kiến phát triển du lịch trên địa bàn xã Hòa An.

3. Đẩy mạnh việc tạo nguồn vốn xã hội hóa, huy động vốn đầu tư cho các điểm phát triển du lịch, hoạt động du lịch.

4. Khai thác chuyên sâu ẩm thực truyền thống và chế biến các món ăn mới, tạo ra nét “Văn hoá ẩm thực” riêng cho xã Hòa An nhằm đáp ứng nhu cầu của khách để kéo dài thời gian lưu trú.

5. Tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù như gói quà lưu niệm từ Mận: mứt, nước ép; cây con giống mận, xoài (đi kèm với đó là các loại phân, bón thiết kế gọn nhẹ).

6. Phối hợp tổ chức các sự kiện Văn hoá - Thể thao - Du lịch, phát triển loại hình đờn ca tài tử. Đồng thời, khôi phục một số phương tiện vận tải hành khách truyền thống để phục vụ du khách như: xích lô, xe lôi, xe đạp… nhằm tạo sự thích thú cho du khách.

7. Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, nghiệp vụ văn hoá phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch và người lao động trực tiếp phục vụ. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý du lịch và người lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch đi học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các vùng miền trong nước, những điểm có ngành du lịch phát triển mạnh.

Tóm lại, với dấu ấn của nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp cũng là điểm nhấn của địa chỉ du lịch, lại thêm đặc trưng là vùng đất có nắng ấm quanh năm, điều kiện khí hậu thuận lợi để cây ăn trái phát triển, nhất là cây Mậm gắn với tên địa danh là Mận Hòa An quen thuộc từ bao đời nay. Thổ nhưỡng mà thiên nhiên ban tặng cho Hòa An là Tiềm năng và thế mạnh tạo sức hút không nhỏ đối với du khách bốn phương khi đến với Hòa An, là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch cộng đồng. Tham quan được vườn Mận đang là một trong các tour du lịch mới của Tỉnh. Du khách sẽ được nghe “nàng tiên” du lịch cùng miệt vườn kể sự kiện lịch sử, giới thiệu các món ăn miền Tây mang đậm chất miền quê, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn rất dân dã... chắc rằng du khách khi rời gót lòng còn lưu luyến, khó quên.

Tiến sĩ Hồ Thị Hồng Cúc, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp