Xuất bản thông tin

null DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ NHƯ NÀNG TIÊN ĐANG ĐƯỢC ĐÁNH THỨC

Chi tiết bài viết Tin tức

DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ NHƯ NÀNG TIÊN ĐANG ĐƯỢC ĐÁNH THỨC

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thành phố Hồng Ngự là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, đã được công nhận là đô thị loại 3 và là Thành phố Biên giới của tỉnh Đồng Tháp, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, là địa phương có nhiều tiềm năng cũng như điều kiện để phát triển về du lịch… với đặc thù là trung tâm trung chuyển và kết nối trong khu vực. Tuy không được nhiều thiên nhiên ưu đãi về danh lam, thắng cảnh tự nhiên, nhưng với lợi thế vùng đầu nguồn với 02 xã tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia; địa giới hành chính nằm trải dài trên dòng sông Mê Kong như một “Nàng tiên” uốn lượn, nhiều phương tiện thuỷ qua lại càng làm hấp dẫn trong mắt nhà làm du lịch, nên những năm qua, Thành phố Hồng Ngự đã tích cực xúc tiến, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư khá hoàn chỉnh đã và đang chào đón “Nàng tiên” trên sông nước hữu tình, “Nàng tiên” Homestay miệt vườn, “Nàng tiên” du lịch tâm linh, “Nàng tiên” làng nghề, "Nàng tiên” quảng bá, xúc tiến du lịch... đang được đánh thức, đang là tiềm năng trong hệ thống du lịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ, quyến rũ của một Thành phố mới.

NỘI DUNG

1. Đánh thức “Nàng tiên” trên sông nước hữu tình

Thế là, ‘Nàng tiên” du lịch trên sông nước đang được đánh thức, du khách có thêm trải nghiệm thú vị vùng sông nước khi tham quan khu bè nuôi cá tại Hồng Ngự và nhất định sẽ là Hội quán làng bè trong vùng nuôi cá tra nguyên liệu tập trung theo quy hoạch, sắp xếp và phát triển du lịch, thu hút khách du lịch ăn uống, nghỉ mát, sinh hoạt đờn ca tài tử trên sông và tham quan nghề nuôi cá bè; nâng cấp, mở rộng đường bộ, bến thủy, khu du lịch sinh thái vùng nuôi cá tra tuyến Tân Thành - Lò Gạch; phát triển các Trạm nghỉ chân hoặc nghỉ qua đêm và hệ thống đường nội bộ tham quan vùng nuôi cá Tra nguyên liệu tại xã Bình Thạnh; quy hoạch diện tích đất sạch để kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn cũng như khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Được Tỉnh cho phép xây dựng biểu tượng Thủ phủ cá tra Việt Nam tại chợ Thành phố Hồng Ngự.

Vùng nuôi cá tra thương phẩm tại xã Bình Thạnh

Du lịch trên sông nước đang từng bước hạ tầng điện, đường, bãi tắm cồn An Bình A; Khu Riverside - bến thuyền du lịch Khu Bờ Đông phường An Thạnh; Cầu tàu Nhà hàng nổi khu du lịch Sông Tiền phường An Thạnh; dự án Trung tâm thương mại tại khu K1; dự án nhà máy chế biến nông, thực phẩm thủy sản; dự án may mặc Công ty TNHH May Cửu Long RIVER... Hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp An Lạc xây dựng, trang trí và trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, du lịch sông nước, mùa nước nổi còn gắn với du lịch tín ngưỡng truyền thống của địa phương để đến năm 2030, du lịch Thành phố Hồng Ngự trở thành điểm du lịch tiêu biểu, trọng điểm của Tỉnh với các dịch vụ lưu trú kết hợp với trải nghiệm.

Bên cạnh đó, còn có huyện giáp ranh có cồn Long Khánh, những ngôi nhà cổ, làng nghề dệt choàng, vườn cây ăn trái rất thích hợp cho việc liên kết phát triển tour, tuyến du lịch, tắm cồn vui chơi giải trí trong mùa hè. Tiếp giáp phía Đông là huyện Tam Nông, nổi tiếng với Vườn Quốc gia Tràm Chim, với diện tích trên 7.000ha rừng Tràm ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam sẽ rất thuận lợi cho liên kết tour du lịch.

2. Đánh thức “Nàng tiên” Homestay miệt vườn

Homestay miệt vườn hiện nay là mô hình du lịch kiểu mới và độc đáo của Tỉnh Đồng Tháp trong đó có Thành phố Hồng Ngự. Mô hình này được đánh giá rất phù hợp cho những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống dân dã của miền Tây sông nước. Do các khu vực sản xuất nông nghiệp đều nằm liền kề, xen kẻ với khu dân cư nông thôn, hiện nay một số địa phương của Thành phố Hồng Ngự đang tập trung phát triển vườn cây ăn trái như vườn Cam sành phường An Bình A gắn với du lịch sinh thái, hạ tầng hệ thống thủy lợi, điện, đường nội vùng vườn cây ăn trái; phát triển mô hình trồng sen lấy gương và vùng sản xuất lúa mùa nổi ở xã Bình Thạnh. Đến với các điểm du lịch nhà vườn, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp của đồng quê mà còn có nhiều trải nghiệm khó quên. Đó là ngồi trong chồi lá nhỏ trong vườn và dạo quanh các khu vườn, thưởng thức nhiều trái cam và dùng những món ăn các loại đặc sản như khô sặt, khô chuột, cá lóc nướng, điểm du lịch nhà vườn còn có chương trình Đờn ca tài tử, hát cải lương, bán đồ lưu niệm…

Mô hình Cánh đồng sen gắn với tham quan, du lịch xã Tân Hội

Xác định du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đối với Thành phố trẻ mới thành lập, nên “Nàng tiên” này đang được đầu tư hoàn thiện hạ tầng diện tích 75ha vườn cam tại phường An Bình A, tiến tới quy hoạch khu vực cánh đồng Xã Bình Thạnh, phường An Bình B (Diện tích khoảng 20ha) làm khu du thuyền mùa nước nổi và kết hợp hái bông điên điển, bông súng, câu cá… phát triển các món ăn đặc sản của Thành phố Hồng Ngự để khách tham quan có thể ăn uống tại chỗ, như các món ăn chế biến từ  khô, mắm, cá. Nhất là, từ nóm Cá linh - món đặc sản của Thành phố Hồng Ngự vào mùa lũ (tầm tháng 9-10 âm lịch);... phát triển du lịch theo hướng mở rộng và khai thác các mối liên kết giữa các loại hình du lịch địa phương, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tổ chức làm du lịch và lợi ích của cộng đồng địa phương, có sự tham gia của cộng đồng và quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương để góp phần phát triển nông thôn của địa phương theo định hướng bền vững.

3. Đánh thức “Nàng tiên” du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh đã trở thành nét đẹp văn hóa của của dân tộc Việt Nam, nói chung được lưu truyền từ ngàn đời nay - Đây cũng là mảnh ghép để ngày lễ hội, tết Nguyên Đán thêm vẹn tròn. Không chỉ đảnh lễ, chiêm bái, cầu bình an cho gia đạo mà đến nơi du lịch tâm linh tâm hồn như thanh tịnh, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đại bộ phận Nhân dân. Từ khi “Nàng tiên” du lịch tâm linh được đánh thức, Thành phố Hồng Ngự đã và đang tập trung nâng cấp, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Đình Thường Lạc bằng nguồn vốn xã hội hóa, di tích lịch sử văn hoá Đình Tân Hội, An Bình, Quan Đế Miếu và Bia kỷ niệm thành lập lực lượng Địa phương quân Hồng Ngự được công nhận di tích văn hoá cấp Tỉnh... để phục vụ du khách tham quan.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh

Công trình Bia kỷ niệm nơi thành lập lực lượng địa phương quân Hồng Ngự

4. Đánh thức “Nàng tiên” quảng bá, xúc tiến du lịch

Xác định quảng bá, xúc tiến du lịch có vai trò rất quan trọng không thể thiếu trong phát triển du lịch một cách bền vững, nên Thành phố Hồng Ngự đã và đang quyết tâm phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Qui mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch được mở rộng. Chất lượng hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện và nâng cao một bước, tạo ra một môi trường du lịch văn minh, lành mạnh, gây được cảm hứng, ấn tượng tốt với du khách.

 “Nàng tiên” du lịch đã được quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các buổi tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật, sáng tác bài hát (cổ nhạc và tân nhạc), xây dựng video clip, đặc san, mở chuyên trang trên Báo văn nghệ Đồng Tháp. Phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, các lễ hội du lịch trong và ngoài tỉnh. Tổ chức và tham gia tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao với các tỉnh, thành trong nước và nước bạn, tạo thuận lợi để mọi người hiểu biết nhiều hơn về quê hương, con người thành phố Hồng Ngự và thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du khách tham quan du lịch, như: cầu Rồng Sở Thượng; Quảng trường Võ Nguyên Giáp; cầu Nguyễn Tất Thành; Bia đá bài hát Hồng Ngự mang tên em; Bia tưởng niệm các vị trấn thủ vùng Hồng Ngự thời Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn. Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; thành lập 03 Hội quán, 01 khu vườn cam gắn với du lịch sinh thái, 01 mô hình trồng sen lấy gương kết hợp tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Đặc biệt, “Nàng tiên” du lịch được quảng bá tại cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) thành phố Hồng Ngự và chọn được logo chung này phục vụ các sự kiện chính trị, hoạt động kinh tế - thương mại, VHXH và đối ngoại, quảng bá hình ảnh địa phương. Hệ thống Nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ lưu trú, lữ hành được đầu tư phát triển đủ sức phục vụ theo tiêu chuẩn du lịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch và hình ảnh du lịch địa phương. Hiện trên địa bàn Thành phố có 01 khách sạn 3 sao và 08 khách sạn hạng 1 sao.

5. Đánh thức “Nàng tiên” làng nghề

Du lịch làng nghề của Thành phố Hồng Ngự là những sản phẩm đặc trưng đang được phát triển mạnh và qui mô lớn, được thị trường cả nước biết đến, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm, như nước mắm cá linh Hồng Ngự, nước mắm cá linh Dì Mười, Khô cá Lóc Út Á, chả cá Phượng Bằng, Chả lụa Bé Tư, mắm Bà Hai Bông, Đường phèn Tân Dương, Tinh dầu Hương Đồng Tháp; Café hạt Sen… Xây dựng các sản phẩm làng nghề, thương hiệu đặc trưng, thành lập các Hội quán như Hội quán khô mắm, Hội quán nuôi lương... Tiến tới kết hợp tham quan, mua sắm tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, cửa khẩu Thường Phước, cửa khẩu Mộc Rá để từng bước phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố gắn với phát triển du lịch.

Hội quán sản xuất khô, mắm phường An Lạc

“Nàng tiên” làng nghề đang tập trung đầu tư, phát triển các công trình, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện hiện có của địa phương; tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Phát động phong trào thi đua “Xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch” trên địa bàn Thành phố; phát động đăng ký ý tưởng khởi nghiệp. Hiện có 19 ý tưởng, trong đó có 01 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 05 sản phẩm đạt 04 sao. Về phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hoá, đến nay, thành phố Hồng Ngự thêm 04 cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá.

* Còn đó những khó khăn, vướng mắc

- Sản phẩm thương hiệu đặc trưng của địa phương còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ thấp; chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm, mua sắm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn, giữ chân du khách lưu lại vài ngày.

- Đâu đó, cũng còn dư luận đang rất quan tâm là  nạn “chặt chém du khách”; tình trạng đeo bám, ép khách tại một số hàng, quán gần điểm du lịch. Việc này che khuất nét đẹp của “Nàng tiên” tại một số điểm du lịch, ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh và khả năng níu chân du khách quay trở lại.

- Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của lao động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển du lịch còn hạn chế. Chưa kết nối được với các tour, tuyến du lịch từ những khu vực lân cận.

- Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho du lịch còn hạn chế, thiếu đồng bộ; mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát.

*Rút ra một số bài học kinh nghiệm quí báu

Thứ nhất, hiệu quả hàng đầu là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và cơ hội phát triển kinh tế, du lịch của thành phố Hồng Ngự gắn với kêu gọi đầu tư.

Thứ hai, chú trọng phát huy những lợi thế của địa phương, tiếp tục phát triển hoàn chỉnh sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu điểm – được như thế thì du lịch phát triển bền vững.

Thứ ba, Chỉ có phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khai thác hợp lý các nguồn lực thì mới phát triển du lịch bền vững.

Thứ tư, làm tốt công tác liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường thì góp phần nâng cao đời sống nhân dân, người thụ hưởng cũng là khách du lịch đàu tiên là người dân địa phương.

*Để du lịch thành phố Hồng Ngự phát triển nhanh và bền vững, cần lắm các nhóm giải pháp:

1. Nhóm giải pháp thứ nhất: Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể về phát triển du lịch

1.1. Cấp ủy quan tâm chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển du lịch thành phố Hồng Ngự; chính quyền thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ với các nội dung phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách và những vướng mắc có liên quan.

1.2. Nêu cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các mô hình câu lạc bộ, mô hình tự quản, hội quán… trong việc xây dựng du lịch Thành phố thực sự là “Điểm đến du lịch hấp dẫn – an toàn – thân thiện – chất lượng" gắn với hình ảnh thành phố Hồng Ngự.

1.3. Phát huy hơn nữa ý thức trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch, tham gia phát triển du lịch, có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch.

1.4. Phối hợp, liên kết các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú đưa du khách về Hồng Ngự và đầu tư khai thác dịch vụ tại các khu, điểm dự kiến phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hồng Ngự.

1.5. Đẩy mạnh việc tạo nguồn vốn xã hội hóa, huy động vốn của doanh nghiệp, xã hội, nhà đầu tư cho các dự án phát triển du lịch, công trình hạ tầng, hoạt động du lịch.

2. Nhóm giải pháp thứ hai: Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

2.1. Tổng rà soát hệ thống cơ sở vật chất du lịch để đầu tư xây dựng có trọng điểm như nâng cấp các tuyến đường huyết mạch kết nối với địa phương; các tuyến đường kết nối với các bến thuỷ. Tận dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi để hỗ trợ đầu tư các trạm dừng chân tại các khu, điểm tham quan, trãi nghiệm như bến thuỷ, du thuyền, đường nội bộ, phương tiện vận chuyển du khách…tạo điều kiện để du khách thuận tiện trong việc tham quan các điểm du lịch gắn với trải nghiệm thực tế hoặc thưởng thức ẩm thực tại điểm tham quan… Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lĩnh vực du lịch đầu tư, nâng cấp các dịch vụ đủ sức phục vụ khách du lịch và có chất lượng cao.

2.2. Đẩy mạnh việc huy động vốn của doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội, nhà đầu tư cho các dự án phát triển du lịch, công trình hạ tầng, hoạt động du lịch. Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng yếu như phát triển du lịch sinh thái nghĩ dưỡng ven sông Tiền kết hợp di tích được xếp hạng, phát triển du lịch tắm cồn, du thuyền mùa nước nỗi.

2.3. Khai thác chuyên sâu ẩm thực truyền thống và chế biến các món ăn mới, tạo ra nét “Văn hoá ẩm thực” riêng cho thành phố Hồng Ngự. Đa dạng hoá các loại hình du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu của khách để kéo dài thời gian lưu trú.

2.4. Phối hợp tổ chức các sự kiện Văn hoá - Thể thao - Du lịch, phát triển loại hình đờn ca tài tử. Đồng thời, khôi phục một số phương tiện vận tải hành khách truyền thống để phục vụ du khách như: xích lô, xe lôi, xe ngựa …nhằm tạo sự thích thú cho du khách.

3. Nhóm giải pháp thứ ba: Phát triển nguồn nhân lực du lịch

3.1. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về kiến thức quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, kiến thức về quản lý bảo vệ môi trường du lịch và phát triển du lịch bền vững cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Đồng thời, có chính sách thu hút nhân tài có trình độ chuyên môn ngành du lịch về phục vụ tại địa phương.

3.2. Phối hợp mở các lớp đào tạo nghiệp vụ, văn hoá phục vụ cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý; người lao động trực tiếp phục vụ; người dân tham gia cung cấp dịch vụ du lịch.

3.3. Tổ chức cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các vùng miền trong nước, những điểm có ngành du lịch phát triển mạnh. Khích thích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn hỗ trợ khách du lịch.

4. Nhóm giải pháp thứ tư: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, hấp dẫn

4.1. Phát triển du lịch bền vững, theo định hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

4.2. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Chiến lược phát triển du lịch thành phố Hồng Ngự đến năm 2030. Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh ở địa phương.

4.3. Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện cho tài nguyên du lịch của một điểm du lịch, một địa phương, một vùng, thỏa mãn nhu cầu du khách và tạo ấn tượng sâu đậm, khó quên. Nói tới sản phẩm du lịch đặc thù là nói tới sự độc đáo và khác biệt, mà ở địa phương khác không có, hoặc nếu có thì cũng không bằng của địa phương mình.

5. Nhóm giải pháp thứ năm: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch

5.1. Tăng cường sự liên kết giữa ngành du lịch cấp trên với các ngành liên quan, giữa khu vực nhà nước với tư nhân và địa phương trong công tác xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch, trên cơ sở chương trình, kế hoạch của các địa phương phải phù hợp với chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch của Thành phố.

5.2. Thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại như báo, đài, cổng thông tin điện tử, website du lịch của Tỉnh và Thành phố; xây dựng trang tin, chuyên mục, các video clip về du lịch...; khai thác mạng xã hội để tuyên truyền nâng cao hình ảnh của Thành phố nói chung, du lịch Thành phố nói riêng.

5.3. Cần nghiên cứu công tác phối hợp triển khai chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường khách du lịch trọng điểm một cách hợp lý giữa các địa phương tự tổ chức tại các thị trường mới, tiềm năng. Cách làm mới có thể huy động nguồn lực xã hội hoá và nâng cao tính chủ động của địa phương, tránh sự chồng chéo, phân tán nguồn lực.

5.4. Đẩy mạnh việc liên kết giữa các địa phương trong vùng để quảng bá xúc tiến tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về tính liên kết vùng, liên kết địa phương nhằm phát huy tối đa các nguồn lực về tài nguyên tự nhiên; phối hợp, liên kết tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài địa phương để nâng cao tính chuyên nghiệp, quy mô, hiệu quả, tiết kiệm.

5.5. Đẩy mạnh sự hợp tác liên kết trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch là hướng đi và yêu cầu cấp bách hiện nay của ngành Du lịch Viẹt Nam nói chung, thành phố Hồng Ngự nói riêng. Việc liên kết hợp tác trong quảng bá xúc tiến du lịch, ngoài việc đưa lại lợi ích phát triển du lịch cho các bên tham gia, còn tạo nên khả năng cạnh tranh giữa các bên liên quan nhằm thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương và thành phố Hồng Ngự. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch trong cơ chế thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch.

6. Nhóm giải pháp thứ sáu: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động du lịch.

6.1. Phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch như: Nâng cấp, hoàn thiện các chức năng của Hệ thống phần mềm quản lý thông tin lưu trú; thiết lập Trung tâm dữ liệu, điều hành số của ngành Du lịch Thành phố…

6.2. Phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch Thành phố đến năm 2030 phải được triển khai thống nhất, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển của hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố; phải gắn kết với các nội dung chương trình khác, trong đó phải phù hợp với mục tiêu, lộ trình thí điểm Đề án TP. Hồng Ngự theo mô hình “Thành phố thông minh”. Đồng thời, kế hoạch phải huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

TÓM LẠI

Du lịch Thành phố Hồng Ngự như “Nàng tiên” đang được đánh thức và khoát lên mình một chiếc áo có nhiều nét đẹp riêng, một vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ nhưng đầy hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách. Du lịch Thành phố Hồng làm động lực kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh địa phương. Phát triển du lịch gắn với bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển du lịch Thành phố Hồng Ngự gắn với nông nghiệp - nông thôn và các giá trị văn hóa bản địa, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc,... Như vậy, đã đánh thức được “Nàng tiên” rồi thì đừng để “Nàng tiên” ấy ngủ lại./.

Tiến sĩ Hồ Thị Hồng Cúc, ThS Dương Thiên Kiều, CN Đinh Thị Hồng Loan, Trường Cao đẳng CĐ Đồng Tháp