Xuất bản thông tin

null GHI NHẬN VỀ LOẠI HÌNH GIẢI TRÍ CỦA NGƯỜI PHÙ NAM Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP QUA HIỆN VẬT KHẢO CỔ

Trang chủ Văn hóa - Gia đình

GHI NHẬN VỀ LOẠI HÌNH GIẢI TRÍ CỦA NGƯỜI PHÙ NAM Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP QUA HIỆN VẬT KHẢO CỔ

Đến nay, các nghiên cứu khoa học về văn hóa Óc Eo đều cho thấy: cư dân thời văn hóa Óc Eo có cuộc sống phồn thịnh, sung túc, các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp đều phát triển ở mức cao. Các kết quả khai quật khảo cổ học còn cho biết ngoài hạt lúa, vỏ trấu trong địa tầng cư trú, trong gốm, gạch, trong địa tầng cư trú văn hóa Óc Eo còn tìm thấy cà ràng hình tròn còn nguyên cũng như nhiều mảnh vở cà ràng, di cốt các loại thú rừng và thú nuôi (sò, ốc, rùa, trâu bò, ln rừng, lợn nhà, chó, gà, voi) giúp chúng ta đưa ra nhận định cư dân Óc Eo dùng cơm là món ăn chính trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời có thể còn dùng để cúng tế các vị thần linh để cầu che chở và bảo vệ, cầu mùa màng bội thu. Đời sống phát triển, nhu cầu của người dân lúc này không chỉ là  cái ăn, cái mặc mà còn xuất hiện nhiều trò chơi, giải trí khác nhau như chọi gà, đấu lợn, chơi cờ, biểu diễn âm nhạc… Nam Tề thư chép:Để vui chơi giải trí, người ta tổ chức chọi gà và chọi lợn (Paul Pelliot (1903), tr.15). Những trò giải trí này chưa phải là tất cả, có thể còn nhiều trò giải trí khác, nhưng do sự huỷ hoại của thời gian, nên hiện nay, những trò chơi, trò giải trí của người xưa không có điều kiện và tư liệu để nghiên cứu.

            Mặc dù vậy, qua các đợt khai quật khảo cổ học ở Khu di tích Gò Tháp, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một số hiện vật nói lên hoạt động vui chơi giải trí của cư dân thời văn hóa Óc Eo.

            Trong đợt khai quật di tích Gò Minh Sư năm 2009, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy trong di tích đền thần Shiva Gò Minh Sư 01 quân cờ có dạng giống quân ngựa trong bàn cờ vua, bằng đất sét mịn, có bờm dựng thẳng đứng chạy từ cổ xuống vai, toàn thân hiện có màu xám tro, bị rạng nứt phần cổ của con ngựa. Kích thước: 3,8 x 2,6 x 1,8 (cm) (Đào Linh Côn (2010), tr.21).

Ảnh: Tư liệu BQL Khu di tích Gò Tháp

Trong đợt khai quật di tích cư trú chân Gò Minh Sư năm 2013, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được một hiện vật xúc xắc còn nguyên vẹn bằng đất nung trong tầng văn hóa của hố khảo cổ ký hiệu 13GMS.H2 (ở độ sâu khoảng 70 cm so với bề mặt đất hiện tại). Hiện vật xúc xắc có dạng khối lập phương, có kích thước: 1,5 x 1,5 x 1,4 (cm) (Đặng Văn Thắng và cộng sự (2013), tr.51). Trên 06 mặt đều có đánh dấu bằng chấm tròn với số lượng dấu chấm tròn từ 01 đến 06.

Hai hiện vật trên, đã cung cấp những thông tin ban đầu để ghi nhận về sự hiện diện của các trò chơi giải trí của cư dân thời văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp (Đồng Tháp) nói riêng và cả vùng Nam bộ nói chung, cung cấp thêm tư liệu nghiên cứu về đời sống tinh thần của người Phù Nam, đóng góp vào nguồn sử liệu vật thật phục vụ cho công tác nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, phục vụ công tác trưng bày, giáo dục, nghiên cứu toàn diện về lịch sử - xã hội - văn hóa  - con người Đồng Tháp. Bên cạnh đó, các hiện vật khảo cổ này cũng là bằng chứng để chứng minh tính toàn vẹn và tính xác thực cho quần thể di tích Óc Eo ở Gò Tháp trong hồ sơ khoa học đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là Di sản văn hóa Thế giới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Linh Côn (2010), Báo cáo khai quật di tích Gò Minh Sư năm 2009. Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Đặng Văn Thắng và cộng sự (2013), Báo cáo khai quật di tích Gò Minh Sư thuộc Khu di tích Gò Tháp. Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

3. Paul Pelliot (1903), Le Fou – nan (nước Phù Nam), Bản dịch của Lê Thước năm 1963, thư viện Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh.