Asset Publisher

null Sen Đồng Tháp - giá trị kinh tế đến văn hóa địa phương

Trang chủ Tin tức

Sen Đồng Tháp - giá trị kinh tế đến văn hóa địa phương

Ngành hàng sen là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp. Phát triển sản xuất cây sen gắn với văn hóa, du lịch theo hướng bền vững, hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp thu về trên 1.900 tỷ đồng.

Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện tại cây sen không chỉ phát triển ở huyện Tháp Mười mà còn bén rễ trên đất trồng lúa ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Cao Lãnh, Tân Hồng, Hồng Ngự. Diện tích trồng sen ở tỉnh Đồng Tháp hơn 1.100ha. Sản lượng sen gương đến cuối năm 2024 đạt trên 12.000 tấn. Giá thành sản xuất gương sen bình quân đạt 9.200 đồng/kg, giá bán bình quân đạt 20.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân hơn 42 triệu đồng/ha. Cây sen với đặc tính ngắn ngày, bình quân trồng 1ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, ước tính thu hoạch kéo dài 2,5 tháng, bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất từ 6-8 tấn/ha.

Đặc biệt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả để trồng sen đang được tỉnh Đồng Tháp khuyến khích. Thực tế cho thấy mô hình trồng sen trên ruộng giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần cải tạo đất vụ sau.

Thời gian gần đây, đầu ra cây sen ổn định là nhờ tỉnh Đồng Tháp chủ trương phát triển cây sen trong đề án phát triển du lịch sinh thái ở các địa phương. Trong đó các sản phẩm hoa sen, gương sen, củ sen, ngó sen và thậm chí là lá sen đều được tận dụng để làm nên sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có có 22 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ sen. Trong đó, 04 sản phẩm như: trà củ sen, sữa sen bột, trà lá sen, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Made in Dong Thap, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm và quảng bá hình ảnh sen cũng như văn hóa địa phương. Hiện Tỉnh cũng có hơn 100 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm từ sen, 56 sản phẩm  được chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao và 01 sản phẩm 5 sao.

Bên cạnh dó, những năm gần đây, Đồng Tháp còn được biết đến là địa phương phát triển về du lịch từ việc khai thác các giá trị tài nguyên bản địa. Trong đó hình ảnh cây sen gắn với đời sống của người dân đã được các điểm du lịch khai thác hiệu quả, thông qua các loại hình Homestay, Framstay…, tạo điểm nhấn riêng cho du lịch Đồng Tháp trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Mô hình canh tác sen đã được người dân thực hiện trong những năm qua như sen lúa (một vụ sen - một vụ lúa luân phiên), sen cá (trồng sen quanh năm kết hợp nuôi cá tự nhiên) và sen chuyên canh (trồng sen quanh năm)… kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm từ cánh đồng sen, nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân và xây dựng hình ảnh “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”.

Đặc biệt Đồng Tháp cũng đã hai lần tổ chức Lễ hội Sen vào năm 2022 và năm 2024, với nhiều hoạt động trải nghiệm, văn hóa, ẩm thực, hội thảo khoa học về sen, qua đó khẳng định, thương hiệu sen Đồng Tháp đã được nhận diện. Do vậy thời gian tới, sen Đồng Tháp rất cần được quan tâm hơn để phát huy giá trị của biểu tượng sen trong văn hóa truyền thống cũng như trong đời sống thường nhật.

Cánh đồng sen huyện Hồng Ngự

Minh Thi – huyện Hồng Ngự