Publicador de contenidos

null Hồng Ngự tăng cường phòng chống đuối nước trẻ em

Trang chủ Thể dục thể thao

Hồng Ngự tăng cường phòng chống đuối nước trẻ em

Trước đây, phần lớn các vụ đuối nước thường xảy ra vào mùa hè. Khi đó, các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do, trong đó có tắm sông. Hay ở những địa phương đầu nguồn như huyện Hồng Ngự, tình trạng đuối nước hay xảy ra thời điểm mùa nước nổi. Tuy nhiên hiện tại, tình trạng đuối nước trẻ em vẫn tiềm ẩn quanh năm. Do vậy việc phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội, do đó cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ.

Những năm gần đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra ngay cả trong mùa khô. Đây không chỉ là nỗi đau khôn nguôi của các gia đình có trẻ bị tai nạn đuối nước mà còn là nỗi day dứt của toàn xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, rạch … cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.

Thực tế cho thấy, việc trang bị cho thanh thiếu nhi những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, đặc biệt là học sinh ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, ngoài việc tăng cường quản lý con em, học sinh thì việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống là điều hết sức cần thiết.

Trước thực tế này, hàng năm, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Hồng Ngự phối hợp công tác tuyên truyền hội viên, đoàn viên trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước, đặc biệt, chú trọng đến vùng còn khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Thực hiện rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước... có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở...

Bên cạnh các giải pháp thì việc dạy bơi an toàn là cần thiết để trẻ phòng tránh đuối nước. Do vậy Uỷ ban nhân dân Huyện cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi, tăng cường dạy bơi cho trẻ em; Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động hồ bơi; Tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, thị trấn.

Năm 2024, để thực hiện hiệu quả công tác dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em từ 7 – 15 tuổi, huyện Hồng Ngự quan tâm đầu tư xây dựng các hồ bơi ở các xã, thị trấn. Đặc biệt, chủ trương xã hội hóa xây dựng hồ bơi trong trường học được người dân đồng tình hưởng ứng và tự nguyện đóng góp kinh phí hàng tỷ đồng cùng địa phương thực hiện, tiêu biểu như xã Long Khánh A, Phú Thuận B và xã Long Thuận. Trong đó xã Phú Thuận B xã hội hóa 100%, tương đương số tiền 500 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 16 hồ bơi. Năm 2024, Huyện được mở 70 lớp dạy cho trên 1.750 trẻ em, qua kiểm tra đánh giá có gần 89% trẻ em đạt yêu cầu.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương năm 2024, huyện Hồng Ngự không xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em.

Để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân  huyện Hồng Ngự tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Huyện về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phòng Lao động – Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em.

Mặt khác, Huyện cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, các trường học và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, điều quan trọng hơn nữa là các em cần được chỉ dẫn cũng như cảnh báo nên vui chơi ở đâu, như thế nào… để đảm bảo an toàn.

Minh Thi – huyện Hồng Ngự