Xuất bản thông tin

null Thành phố Sa Đéc: Tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thị Nhượng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc”

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Thành phố Sa Đéc: Tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thị Nhượng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc”

Thành ủy Sa Đéc tổ chức tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thị Nhượng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc” (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông Huỳnh Minh Đoàn – nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Nguyễn Đắc Hiền – nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, các đại biểu nguyên là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Thành ủy Sa Đéc qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Thành phố, Đảng ủy các xã, phường cùng tham dự.

Bà Trần Thị Nhượng còn được biết đến với tên gọi là Trần Thị Ngài, cô Sáu Ngài, cô giáo Ngài, là người con của xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh. Bà sinh ngày 15/3/1896, cha mẹ và 06 anh em đều làm thợ thủ công, buôn bán nhỏ. Bản thân bà vừa chăn nuôi làm kinh tế vừa học chữ tại nhà và tiếp tục học tập ở Sài Gòn, rồi về Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Lãnh), Tân Dương (nay thuộc huyện Lai Vung), Cái Tàu Hạ (nay thuộc huyện Châu Thành), dạy học. Lúc bấy giờ toàn tỉnh Sa Đéc chỉ có 03 giáo viên là nữ giới.

 Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng của các chi bộ Đảng, cho đến khi thành lập Đảng bộ tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), lãnh đạo giành chính quyền năm 1945, bà là một người phụ nữ kiên trung, bất khuất, mạnh mẽ, bản lĩnh, đã trực tiếp chỉ huy quần chúng khởi nghĩa và dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận Việt Minh tiến vào Dinh Tỉnh trưởng và Toà hành chính Sa Đéc; với lập luận và lý lẽ đanh thép, đã góp phần giành lấy chính quyền về tay nhân dân, không có đổ máu. Trong quá trình hoạt động cách mạng, mặc dù nhiều lần bị địch bắt giam, tra khảo dã man, bị quản thúc nhưng Cô giáo Ngài vẫn kiên định, hướng đến mục tiêu độc lập, tự do dân tộc.

Dù phải chịu nỗi đau mất mát khi hai con nhỏ lần lượt bị bệnh qua đời, chồng cũng mất tại nhà tù Côn đảo nhưng Trần Thị Nhượng vẫn kiên cường vượt lên, nén đau thương, tiếp tục cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc (1946 - 1949); Phó Giám đốc Trại Nhi đồng; Phó Giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Năm 1966, nghỉ hưu. Sau năm 1975, trở về quê hương Đồng Tháp và mất tại Sa Đéc năm 1988, hưởng thọ 92 tuổi. được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Hiện nay, tại thành phố Sa Đéc có ngôi trường Trung học cơ sở mang tên Trần Thị Nhượng và một con đường lớn mang tên Trần Thị Nhượng trong nội ô thành phố Sa Đéc.

Buổi tọa đàm đã được nghe các đại biểu nguyên là lãnh đạo Tỉnh và thành phố Sa Đéc qua các thời kỳ chia sẻ, hồi tưởng về cuộc đời và sự nghiệp của bà Trần Thị Nhượng, những ý kiến đóng góp đã phác họa chân dung của một con người hết lòng vì nước, vì dân, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là trong suốt cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân ở Sa Đéc. Qua đó đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trong việc chọn vị trí xây dựng, bổ sung thêm về cuộc đời riêng của bà không ngại hy sinh gian khổ, khó khăn không sờn lòng.

 Ngoài ra, các đại biểu đã thống nhất cao với đề xuất xây dựng khu tưởng niệm Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc Trần Thị Nhượng của Thành ủy Sa Đéc nhằm trưng bày, lưu giữ tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà để làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Một số hình ảnh

 

Tin: Đông Xuân, Ảnh: Ngọc Duy