Xuất bản thông tin

null Thành phố Cao Lãnh “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử”

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

Thành phố Cao Lãnh “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử”

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố Cao Lãnh luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm, đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Vào các ngày Lễ, Tết đều tổ chức biểu diễn phục vụ người dân.

Với sự quan tâm của Tỉnh và lãnh đạo Thành phố, phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển, số lượng câu lạc bộ, nghệ nhân và người tham gia thể loại này không ngừng tăng về số lượng cũng như chất lượng. Hiện toàn Thành phố có 32 câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử đang sinh hoạt ở xã, phường và khóm, ấp, sinh hoạt thường xuyên hàng tuần hoặc hàng tháng, trong các dịp sinh hoạt văn hoá, lễ hội, sinh hoạt nội bộ trong gia đình. 

Để duy trì loại hình này, vào cuối tháng 8/2022, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thành phố Cao Lãnh tổ chức thành lập CLB Đờn ca tài tử cấp Thành phố, có 28 thành viên, là những người yêu thích Nghệ thuật Đờn ca tài tử tham gia. CLB sinh hoạt định kỳ 01 tháng/lần, riêng vào sáng thứ bảy hàng tuần tổ chức tập dợt, hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giới thiệu và tập những bài bản mới cho thành viên, … để có thêm kiến thức, kinh nghiệm giao lưu, biểu diễn vào các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện phục vụ nhân dân.

Cứ tối thứ bảy hàng tuần, các nghệ nhân CLB Đờn ca tài tử Thành phố đều đặn đến địa điểm tập Đờn ca tài tử tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh Thành phố. Từ lời ca, tiếng đờn hoà quyện với nhau, nghe rất sâu lắng, đầy cảm xúc. Nội dung các bài bản tài tử gần gũi với người dân, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, quảng bá hình ảnh địa phương, được thể hiện qua các điệu thức: 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 7 bài Lễ, 4 bài Oán v.v. Thật là khó có thể diễn tả hết cảm xúc mà loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử mang lại. Giữa ca từ và chữ nhạc, giữa người ca và người đờn như hòa quyện vào nhau để rồi họ cùng bồng bềnh, trôi nổi giữa không gian đầy chất thơ, chất nhạc và chất đời. Người ca tài tử không kén chọn thành phần, đối tượng, người bình dân hay giới trí thức,.v.v. đều tham gia được. Lời ca, tiếng đàn cất lên trong một không gian lý tưởng, thường thì biểu diễn ngoài trời. Tất cả đều có thể hòa điệu tri âm và có thể làm đẹp, làm mới thêm cho vườn hoa nghệ thuật này. 

Với 63 tuổi đời, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Tâm, còn gọi là Thu Ba, ở phường 6, thành phố Cao Lãnh đã có hơn 45 năm tuổi nghề, hiện nay là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Thành phố. Chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ bỏ nghề, không chỉ đờn giỏi mà ca cũng rất chuẩn, lúc nào cũng mong muốn loại hình nghệ thuật này phát triển mãi. Ông là 01 trong 08 nghệ nhân trong tỉnh Đồng Tháp vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân ưu tú, đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Tâm - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Thành phố cho biết thêm: Hồi nhỏ chú ham đờn lắm, chú nghe đờn ca rồi biết, hồi 14 tuổi là chú đờn nhạc. Sao nghe Ba mình đờn nghe mùi quá, khi bạn bè của Ba lại nhà chơi sao thấy hay, tự nhiên chú bỏ đờn nhạc chú qua học đờn tài tử, Ba dạy truyền lại hết. Từ đó chú đi chơi với anh em rồi ngày ngày có kinh nghiệm, chú đi đoàn hát nữa đó. Giờ mình rất vinh hạnh, rất vui vì đúng với tâm trạng, cái nghề, cái ước mơ của chú. Sau này chú thành lập lò dạy Đờn ca tài tử theo khả năng của mình. Mục đích để duy trì loại hình âm nhạc Đờn ca tài tử Nam bộ này không cho nó mai một mà phát triển mạnh hơn”.

Trước đây, hoạt động Đờn ca tài tử đa phần mang tính tự phát, thiếu tổ chức cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, thì nay dần phát triển. Tuy nhiên, Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố Cao Lãnh phần đông nghệ nhân nòng cốt hiện đã lớn tuổi, hầu hết xuất phát từ đam mê, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa có lộ trình, bài bản chính thức...

Đa số các nghệ nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 50 tuổi trở lên, dù lớn tuổi nhưng có chung một niềm đam mê đó là được ca, được đờn để phục vụ người dân. Ông Nguyễn Văn Thôn - Nghệ nhân CLB Đờn ca tài tử Thành phố chia sẻ: Cái  bộ môn Đờn ca tài tử này sự thật là có thể di truyền, tại vì chú tui hồi đó cũng Đờn ca tài tử, tui hâm mộ lúc 9-10 tuổi, những bài ca của chú tui nghe thuộc từ từ, nó thấm, sau này lớn lên cũng theo chú, ở dưới quê theo thầy, các anh chơi, khi về quê vợ đây cũng theo nghề này luôn. Sự thật cái nghề Đờn ca tài tử này thấm sâu vào máu rồi thì mình biết, những anh em nào chưa biết thì đem cái hiểu biết của mình trao đổi cùng anh em để tất cả người ta như mình. Khi được vậy tui rất là hãnh diện, với lại hãnh diện thứ hai là Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là loại hình di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013, mình rất là hãnh diện được di sản của Thế giới, nếu được phục vụ sau này tất cả những người ở thế hệ sau của tụi tui cũng theo bước tụi tui, theo bước tiền nhân để cho Đờn ca tài tử mãi mãi sống mãi với thời gian”.

Để Nghệ thuật Đờn ca tài tử được bảo tồn và phát triển đúng tinh thần và giá trị văn hóa truyền thống, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh Thành phố đã xây dựng kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp trên địa bàn Thành phố”. Ông Ngô Hoàng Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh Thành phố cho biết: Trong thời gian qua, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo củng cố, kiện toàn các CLB Đờn ca tài tử trên địa bàn. Đặc biệt là củng cố, kiện toàn nhân sự các CLB để làm nòng cốt xây dựng phong trào Đờn ca tài tử của Thành phố hoạt động trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh Thành phố tham mưu lãnh đạo Thành phố đưa các nội dung giao lưu Đờn ca tài tử vào chương trình công tác của năm, nhằm tạo sân chơi để cho các nghệ nhân có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với nhau, góp phần thúc đẩy phong trào Đờn ca tài tử ở các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ là cầu nối giữa các CLB Đờn ca tài tử để kết nối giao lưu với CLB Đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh, để từ đó đưa phong trào Đờn ca tài tử ngày càng phát triển”.

Làm tốt việc duy trì sinh hoạt các CLB Đờn ca tài tử không chỉ tạo ra sân chơi, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư, mà còn là mô hình phục vụ cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, nhất là các xã vùng ven, để Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này phát triển mạnh mẽ ở thành phố Cao Lãnh trong thời gian tới.

Phương Nga