Xuất bản thông tin

null Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương

Chi tiết bài viết Tin tức

Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương

Đó là chủ đề của Hội thảo chuyên đề vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  phối hợp với UBND huyện Lấp Vò tổ chức tại Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò) vào sáng ngày 06/12. Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bà Nguyễn Thị Nhanh – Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò đồng chủ trì hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong; chuyên gia tư vấn du lịch; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành Tỉnh cùng các công ty du lịch, lữ hành trong, ngoài tỉnh.

Phó Giáo sưu, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan- Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM) phát biểu giải pháp bảo tồn các giá trị văn hoá làng nghề

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, phân tích, đánh giá tiềm năng, thực trạng du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống của Đồng Tháp. Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh địa phương gắn với xây dựng nền văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình - năng động - sáng tạo; quảng bá, xúc tiến sản phẩm làng nghề kết hợp hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn; xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương trên môi trường số...

Về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp, hoạt động cụ thể, thiết thực; trước hết là lập quy hoạch, đưa phát triển làng nghề và du lịch làng nghề vào các văn bản, nghị quyết, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các làng nghề thường nằm ở vùng nông thôn, đường giao thông chưa thuận tiện cho phát triển du lịch. Vì vậy, địa phương cần mở rộng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách dễ tiếp cận với các làng nghề cũng như mở rộng cơ hội giao thương. Cảnh quan làng nghề cần được quy hoạch, thiết kế, trang trí phù hợp với hoạt động phát triển du lịch trên cơ sở phát huy giá trị kiến trúc và đặc trưng văn hóa bản địa. Đồng thời, tỉnh cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng nghề thông qua phát triển du lịch; trên cơ sở đó, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng địa phương vào hoạt động phát triển du lịch.

Ths. Nguyễn Thị Thuý Phượng- Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng KHCN và đào tạo Mê Kong chia sẻ về xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong đề xuất thí điểm xây dựng một số làng nghề truyền thống tiêu biểu kiểu mẫu, ứng dụng công nghệ trong tiếp thị điểm đến du lịch làng nghề thông qua màn hình cảm ứng; kết nối wifi miễn phí; các ứng dụng di động được tải miễn phí; ứng dụng thực tế ảo tăng cường và dịch vụ an toàn, sức khỏe…

Ông Trương Gia Khánh – Giám đốc Công ty Vian Travel, Phó Chu Tịch CLB Du Lịch - Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam Phát biểu tại Hội thảo

Ông Mai Thanh Thảo – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương” hôm nay là cơ hội để du lịch Đồng Tháp tiếp thu ý kiến các chuyên gia du lịch cùng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về các giải pháp phát triển du lịch kết hợp phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của Tỉnh. Tìm ra những giải pháp tích cực mang tính khả thi nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các làng nghề, làng nghề truyền thống của Đồng Tháp kết hợp phát triển du lịch, từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Tỉnh Uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo

Những ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương” sẽ củng cố thêm căn cứ lý luận và cung cấp những tư liệu thực tiễn sống động, đánh giá đúng tiềm năng, thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của Đồng Tháp kết hợp phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Đồng thời định hướng phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm làng nghề truyền thống, xác định những sản phẩm làng nghề chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm phát triển thành sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề, kết nối tour tuyến với các khu điểm du lịch và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Tỉnh.

Phòng QLDL