Xuất bản thông tin

null Những công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Trang chủ Tin tức

Những công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Những công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - Đồng Tháp góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mô hình Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc - Đồng Tháp hàng năm đón trên hàng trăm lượt khách tham quan đã góp phần lan tỏa đến cán bộ, đảng viên và nhân dân những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

1. Mô hình Nhà sàn Bác Hồ

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Mãnh đất Đồng Tháp đã vinh dự đón Cụ về sống và hoạt động hai lần (lần 1 từ năm 1917 – 1919 và lần 2 từ năm 1927 -1929) và đây cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Cụ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ quân quản, Tỉnh uỷ Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã quyết định thành lập Ban xây dựng công trình khu mộ Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Theo đó, ông Nguyễn Thành Mậu, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận giải phóng tỉnh được cử làm Trưởng ban kiến trúc; Ông Đinh Khắc Giao thực hiện việc lập mô hình thiết kế với yêu cầu là thể hiện được ba ý tưởng: Đơn giản, mang sắc thái dân tộc, sắc thái địa phương và hiện đại. Kết quả là mô hình đã được Hội đồng kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh thông qua. Công trình chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Những hạng mục chính khu mộ bao gồm: Vòm mộ, Hồ sao, Nhà bát giác (nay là Đền thờ), Nhà kiếng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Bác Hồ luôn hướng về miền Nam ruột thịt, ai ai cũng biết rằng Bác mong muốn được vào thăm miền Nam, thăm quê hương Đồng Tháp, nơi  mà Bác chưa một ngày vào thăm, chưa một lần thắp nén nhang trước mộ của Người cha thân yêu, những ước mơ rất đổi bình dị ấy chưa được thực hiện thì Bác đã qua đời. Còn đối với nhân dân miền Nam và đặc biệt là người dân Đồng Tháp, ai ai cũng muốn được một lần đến thăm ngôi nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội, nhưng vì nhiều khó khăn khách quan, một số đồng bào miền Nam không thể ra miền Bắc để tham quan nơi Bác đã sinh sống và làm việc, nên để đáp lại tấm lòng yêu mến Bác Hồ và sự mong mỏi ấy của nhân dân miền Nam nói chung, của người dân Đồng Tháp nói riêng, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng mô hình Nhà sàn trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/1990). Ngôi nhà sàn được xây dựng mang hai ý nghĩ to lớn đó chính là Đồng Tháp muốn mang hương hồn của Bác về sống cạnh người cha thân sinh của mình và thứ hai là tạo điều kiện cho đồng bào ta ở miền Nam không có điều kiện ra thăm nhà sàn Bác tại Hà nội thì khi đến thăm mô hình Nhà sàn ở đây cũng có thể hình dung Bác Hồ - vị Chủ tịch nước đã sống và làm việc như thế nào…

Trải qua hơn 30 năm, mô hình Nhà sàn của Bác Hồ trong quần thể Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc không chỉ là niềm tự hào của riêng bà con nhân dân vùng Đất sen hồng mà còn là niềm tự hào của nhân dân miền Nam. Bởi mô hình Nhà sàn này không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng của nhân dân miền Nam “nhớ Bác”, mà còn là điểm đến tham quan, du lịch…một điểm nhấn trong hành trình “Về nguồn”, một “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với các thế hệ yêu kính Bác Hồ, nhất là thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên.

Khi tham quan mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, (ngôi nhà được tái hiện theo tỉ lệ 1/1 giống ngôi nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch - Hà Nội), chúng ta sẽ thấy “tài sản” hiện hữu trong ngôi nhà Bác chỉ có một vài vật dụng đơn sơ, cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày: Chiếc giường gỗ trải chiếu trơn, chiếc quạt lá cọ, phích nước và chai nước lọc, chiếc radio để nghe tin tức…tất cả đều mộc mạc, giản dị như chính con người của Bác, những hiện vật ấy đã tạo cho người xem rất nhiều cảm xúc trào dâng và chúng ta thực sự kính trọng Bác với một tình cảm yêu mến vô hạn. Trong những hiện vật ấy, để lại nhiều cảm xúc và dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách, có lẽ chính là chiếc hộp gỗ màu đen được đặt ở ngăn trên cùng của giá sách trong phòng làm việc của Bác. Bên trong chiếc hộp ấy, là câu chuyện về hai bức ảnh mà Người vô cùng trân trọng, đó là bức ảnh chụp ngôi mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và ảnh Tiểu đoàn 311 trên đường ra viếng mộ Cụ Phó bảng trước khi xuống tàu tập kết chuyển quân ra miền Bắc vào năm 1954.

Bức ảnh là món quà của đồng bào miền Nam nói chung và nhân dân Đồng Tháp nói riêng được các đơn vị bộ đội của tiểu đoàn 311 trước khi xuống tàu tập kết chuyển quân ra miền Bắc đã đến xây dựng và trùng tu lại mộ Cụ có bia mộ và hàng rào sắt bao bọc xung quanh, bức ảnh được gửi tặng cho Bác vào năm 1954 được Bác trân trọng đặt trong một chiếc hộp sơn mài màu đen khảm xà cừ và để trên kệ cao nhất trong phòng làm việc của Bác. Khi nào vắng khách, ngơi việc là Bác thường mở hai bức ảnh ấy ra xem để tưởng nhớ đến người Cha kính yêu của mình, và cũng để nhớ đến miền Nam - vùng đất ruột thịt bị chia cắt, nơi mà Bác chưa từng được một lần vào thăm, dù chỉ là thắp một nén nhang thành kính để tưởng nhớ đến đức sinh thành. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể lại thi thoảng vào ban đêm Bác lại lấy bức hình ra ngắm nhìn có lúc mắt ứa lệ, qua đó có thể thấy bức ảnh chụp ngôi mộ Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với Bác vô cùng quan trọng vì thông qua tấm ảnh Bác mới biết được nơi an nghỉ cuối cùng của người cha mà Bác hết mực kính yêu, người cha mà sau khi ra đi tìm đường cứu nước trở về Bác chưa một lần được vào thăm cho dù chỉ là thăm mộ của Người hay thắp cho Người một nén nhang. Chính vì thế, mà Bác luôn trân trọng và giữ gìn bức ảnh bên mình một cách cẩn trọng cho đến những ngày Người đi xa. Bác từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Mong ước lớn nhất của Bác là được một lần vào thăm đồng bào miền Nam, được thắp một nén nhang trước một người cha thân yêu, sâu thẳm trong niềm thương nhớ vô bờ về đồng bào miền Nam, trái tim Bác mãi không nguôi nhớ về người cha kính yêu. Nhằm gián tiếp thực hiện ước mơ của Bác cũng như niềm khao khát, ước mong của đồng bào miền Nam nói chung và nhân dân Đồng Tháp nói riêng vào ngày 19 tháng 5 năm 1975, đây là ngày sinh nhật lần đầu tiên của Bác sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Đồng Tháp đã long trọng tổ chức một buổi lễ rước ảnh Bác về viếng mộ Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một việc làm đầy ý nghĩa thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Đồng Tháp nói riêng dành cho Người - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. 

Kể từ khi được xây dựng và hiện diện cho đến nay, mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc…vẫn vẹn nguyên những giá trị nhân văn trong lòng người dân Đồng Tháp nói riêng, của nhân dân miền Nam nói chung. Cùng với các hạng mục di tích khác, mô hình Nhà sàn Bác Hồ lúc nào cũng đón đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nhất là trong những ngày tháng năm, bắt đầu vào hè, trùng với dịp cả nước mừng ngày sinh nhật của Bác, những cây hoa phượng đồng loạt trổ hoa đỏ rực trong khuôn viên, làm sáng rực một góc nhà sàn, soi bóng xuống ao sen phía trước làm cho hoa viên xung quanh mô hình Nhà sàn của Bác thêm lung linh sắc màu tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp níu chân du khách chụp ảnh lưu niệm.

2. Phòng trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Nhằm góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ được hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam cho du khách khi đến tham quan, ngày 19/5 vừa qua Khu di tích đã long trọng tổ chức lễ khánh thành “Phòng trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022). Đây là công trình tưởng niệm thứ hai về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc nhằm ghi nhớ những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí minh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền, đặc biệt là vị trí, vai trò hết sức quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Phòng trưng bày có tổng diện tích 600m2 với trên 200 hình ảnh hiện vật được trưng bày theo sáu chuyên đề nhằm phản ánh một cách hệ thống cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Như vậy, hiện nay tại khu di tích hiện có hai công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng và đưa vào hoạt động góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu và nghiên cứu về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những cống hiến to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, truyến thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ khi đến tham quan tại Khu di tích. Những công trình này hàng năm đón trên hàng trăm lượt khách tham quan đã góp phần lan tỏa đến cán bộ, đảng viên và nhân dân những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Qua đó quảng bá hình ảnh địa phương, thiết thực xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Nguyễn Ngọc Hoài