Xuất bản thông tin

null Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ nét văn hóa độc đáo ở Khu Di tích Gò tháp

Chi tiết bài viết Tin tức

Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ nét văn hóa độc đáo ở Khu Di tích Gò tháp

Khu di tích Gò Tháp tọa lạc trên địa bàn ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh khoảng 45km về phía Đông Bắc. Khu di tích Gò Tháp là một ốc đảo nổi lên giữa mênh mông vùng Đồng Tháp Mười, được xem là nơi hội tụ của nhiều giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh. Khu di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia năm 1989 và năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt về loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.

Ngoài các giá trị về văn hóa, lịch sử, khảo cổ, Khu di tích Gò Tháp còn nổi bật qua những giá trị tâm linh với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo với các di tích như: Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đền thờ Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều, chùa Tháp Linh, Thiền viện Trúc lâm Tháp Mười, Miếu Hoàng Cô và Miếu thờ Bà Chúa Xứ. Hằng năm, tại Khu di tích Gò Tháp có hai kỳ lễ hội truyền thống lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch và Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 âm lịch. Mỗi kỳ lễ hội ở Gò Tháp đã thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương về tham dự. Trong đó, lễ hội truyền thống lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch là lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Nam bộ, gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ của người Việt ở vùng Đồng Tháp Mười trong quá trình khai khẩn vùng Nam bộ.

Như chúng ta đã biết, thờ Bà Chúa Xứ là tín ngưỡng dân gian của người Việt đã có từ lâu đời, là một biểu hiện cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung. Bà Chúa Xứ là hiện sinh của vị Mẫu thần, biểu hiện to lớn về khát vọng tìm kiếm sự che chở, bảo bọc cho cuộc sống bình yên của người dân địa phương.

Miếu thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp.

Tại Khu di tích Gò Tháp, Miếu thờ Bà Chúa Xứ được cư dân trong vùng dựng lên từ những ngày đầu khẩn hoang. Ban đầu, ngôi miếu xây dựng bằng tre, lá nằm trên nền gò đất có di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo. Đến năm 1995, ngôi miếu được di dời và xây dựng lại bằng bê tông cốt thép với diện tích khoảng 240m2 (hiện tại là ngôi tiền điện). Năm 2014, thực hiện công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ thuộc dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp, ngôi miếu được tu bổ, tôn tạo thêm phần chánh điện, tả vu, hữu vu, cổng và hệ thống cây xanh, bồn hoa như hiện tại.

Là một nước nông nghiệp nên cư dân Việt Nam có khuynh hướng đề cao âm tính (giống cái) mà phụ nữ có vai trò quan trọng. Cho nên, trong hệ thống văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ Mẹ) là một loại hình tín ngưỡng phổ biến được hình thành từ xa xưa. Được hình thành do quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc sống cộng cư và cận cư với nhau trong công cuộc khai hoang mở cõi ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ là nét văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ, nằm trong sự đa dạng của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp cũng mang những đặc trưng chung của tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Nam bộ, đơn cử ở thời gian tổ chức các lễ Vía Bà Chúa Xứ ở Nam bộ đều được tổ chức vào các tháng đầu của năm mới (theo âm lịch) thì lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp cũng được tổ chức trong khoảng thời gian đó (rằm tháng 3 âm lịch).

Lễ cúng Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp.

Ngoài ra, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp có phần nghi thức cúng lễ như các lễ Vía Bà Chúa Xứ ở Nam bộ. Ngoài phần lễ cúng chính là cúng Bà Chúa Xứ vào đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16 tháng 3 âm lịch thì Ban Hội Hương Gò Tháp còn cử hành một số lễ khác như: Lễ tắm Bà, Lễ cầu an cúng Thần nông, Lễ thỉnh sanh. Mỗi lễ cúng đều có nội dung và nghi thức hành lễ khác nhau, nhưng cái chung nhất là đều có bài văn tế do người Chánh tế đọc. Kèm theo là các nghi thức lễ phụ khác như: học trò lễ dâng trà, dâng rượu, dâng hương và dàn nhạc lễ. Phần hội của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng đậm nét văn hóa dân gian với những tiết mục múa hát, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, ẩm thực, đờn ca tài tử, múa bóng rỗi, trưng bày triển lãm về di sản văn hóa, thiên nhiên, con người tỉnh Đồng Tháp,… Với những hoạt động tưng bừng của phần hội đã làm cho con người dường như quên đi những vất vả, bon chen của cuộc sống đời thường để tìm đến với nhau bằng sự đồng cảm, hướng về cái thiện trong cuộc sống.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ  Gò Tháp vừa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đồng thời cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Đi giữa không khí lễ hội, một cảm nhận rất rõ rệt khi đến với Gò Tháp, như đang bước vào một hoạt động văn hóa tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau: giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hóa, giữa cái thiêng liêng của tâm linh và cái gì đó rất đời thường, giữa cổ xưa và đương đại. Nó không chỉ dừng lại ở nét văn hóa tâm linh mà còn mà là dịp để du khách có thể còn tận mắt chứng kiến các di tích lịch sử, khảo cổ ở Khu di tích Gò Tháp, để những giá trị độc đáo của di sản văn hóa đó được lan tỏa đến rộng hơn, xa hơn, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương.

Hiện tại, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cùng với lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đang được lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu được công nhận thì quy mô lễ hội Gò Tháp sẽ được mở rộng ra ngoài cấp Tỉnh, vươn tới quy mô cấp quốc gia. Lễ hội sẽ là dịp để đông đảo du khách từ mọi miền đất nước đến tham quan, cũng viếng và thưởng thức các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của tỉnh Đồng Tháp.

Nói tóm lại, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ là nét văn hóa cộng đồng đặc sắc ở Khu di tích Gò Tháp. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Gò Tháp hằng năm luôn là thời gian thu hút khách hành hương tâm linh đến với Khu di tích Gò Tháp. Đây chính là thế mạnh riêng biệt về du lịch văn hóa về tâm linh ở Khu di tích Gò Tháp. Bảo tồn và phát huy thế mạnh đó, trong thời gian tới, Khu di tích Gò Tháp hứa hẹn sẽ là điểm nhấn quan trọng và là điểm sáng nổi bật trong bức tranh du lịch tỉnh Đồng Tháp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Thị Bích Thủy 2016, “Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp”, Gò Tháp di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Văn hóa -Văn nghệ, tr.201-204.

2. Nguyễn Quang Lê 2014, Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, NXB Khoa học Xã hội.

3. Nguyễn Hữu Hiếu 2005, Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Thời đại.

4. Trần Ngọc Thêm 2000, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục.

                                         

Phạm Thị Hương – Phùng Quốc Danh