Xuất bản thông tin

null BIỂU TƯỢNG CHỮ VẠN TRONG DI TÍCH KIẾN TRÚC TÔN GIÁO Ở GÒ THÁP

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

BIỂU TƯỢNG CHỮ VẠN TRONG DI TÍCH KIẾN TRÚC TÔN GIÁO Ở GÒ THÁP

Nhiều quốc gia trên thế giới đều xem chữ Vạn (Svastika): là biểu tượng quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, với ý nghĩa để chỉ sự tốt đẹp, cát tường, thịnh vượng, hạnh phúc. Đặc biệt, chữ Vạn còn được sử dụng nhiều trong mỹ thuật và kiến trúc nghệ thuật Hindu giáo và Phật giáo. Trong những năm qua, kết quả khai quật khảo cổ học tại Khu di tích Gò Tháp cho thấy các di tích kiến trúc đền thần đều được xây dựng bố cục đặc trưng ở trung tâm kiến trúc có trụ giới xây bằng gạch xếp hình chữ Vạn thể hiện mong muốn của các vị thần sẽ ban phước cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc và viên mãn.

Trong tín niệm Hindu, chữ Vạn Svastika có nghĩa là thịnh vượng, sung túc, khỏe mạnh, hạnh phúc, nó được ví như là bùa may hay vật cát tường. Svastika được dùng trong hôn lễ, lễ thí phát, cúng tế thần Svastika, Lashmi và trong lễ cầu khẩn cửu tinh. Savastika được tôn thờ như một biểu tượng của mặt trời, thần Ganesha và xà vương. Còn trong tín niệm Phật giáo, chữ Vạn là biểu tượng tiêu biểu cho điều may mắn, phước đức tốt lành cho nên ở những ngôi chùa Phật người ta thường vẽ hình chữ Vạn.  Theo “Từ Điển Phật Học Việt Nam của Thích Minh Châu và Minh Chi” (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991), chữ Vạn biểu thị công đức vô lượng của Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật. Bên cạnh đó, biểu tượng chữ Vạn còn được sử dụng để trang trí trong kiến trúc của chùa, tháp Phật.

Riêng ở Gò Tháp qua kết quả khai quật từ năm 1984 đến nay đã phát hiện nhiều di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo như đền thần Vishnu, Shiva, Surya,… và trong các di tích này đều sử dụng biểu tượng chữ Vạn trong xây dựng kiến trúc vì trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ Vạn được đồng hóa với thần Vishnu và được liên kết với thần Shiva và việc thờ rắn thần Nagar,..với ý nghĩa mang đến sự tốt lành, thanh tịnh, tròn đầy, phúc lộc, an khang, thành công thịnh vượng.

Bên cạnh những ý nghĩa về trang trí, cách sắp gạch hình chữ Vạn còn mang yếu tố về mặt kỹ thuật của người Phù Nam. Với cách xếp 04 viên gạch thành dạng ống khói, được kết dính bằng đất sét trộn cát. Ở chính giữa được gia cố bằng nửa viên gạch hoặc đất sét sẽ làm cho mạch gạch xây của kiến trúc không trùng nhau. Nó góp phần tăng độ vững chắc cho các kiến trúc.

Gạch xếp hình chữ Vạn ở kiến trúc đền thần Shiva Gò Minh Sư

Từ những ý nghĩa trên cho ta thấy rằng chữ Vạn là biểu tượng của sự hoạt động chu kỳ, sự tái sinh bất tận và thường được gắn liền với hình ảnh các đấng cứu tinh của nhân loại. Chữ Vạn nếu quay theo chiều thuận của vũ trụ thì nó gắn với cái siêu tại, nếu theo chiều ngược lại thể hiện sự thiêng liêng vô tận. Ngày nay, chữ Vạn không những là một biểu tượng trong Phật giáo, Hindu giáo mà nó còn là một biểu tượng được tìm thấy rộng rãi trên thế giới mang ý nghĩa tích cực của cái tốt đẹp, điềm lành và may mắn. Chính vì thế, chữ Vạn được dùng rất phố biến như một hình tượng trong nhiều ngành trang trí truyền thống hiện đại.  

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

            1. Huỳnh Thanh Bình 2018, Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

            2. Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp 2016, Gò Tháp Di tích Quốc gia Đặc biệt, tái bản lần thứ nhất. Nxb.Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

            3. https://vuonhoaphatgiao.com/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/dac-diem-cua-dao-phat/y-nghia-chu-van-trong-phat-giao/

Tác giả: Phạm Thị Hương