Xuất bản thông tin

null ÔNG TÀ TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN CỦA NGƯỜI DÂN Ở GÒ THÁP

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

ÔNG TÀ TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN CỦA NGƯỜI DÂN Ở GÒ THÁP

Tục thờ ông Tà đã có từ lâu đời trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, xuất xứ từ tín ngưỡng thờ Neak-Tà (tục thờ đá) của dân tộc Khmer. “Neak Tà” được xem là vị thần bảo hộ cho một cộng đồng dân cư ở làng quê. Ngày nay, tục thờ Tà thần vẫn còn lưu giữ ở Gò Tháp và đã trở thành một nét văn hóa dân gian độc đáo có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Gò Tháp.

Ông Tà có nguồn gốc từ tín ngưỡng của người Khmer và được người Việt thờ ở nhiều nơi. Đó là vị thần có tên Neak Ta, được quyền năng cai quản trong phạm vi phum sóc hoặc một khu vực rộng lớn hơn nên ai nấy đều tôn kính. Nhiều người khi đi ngang qua miếu thờ ông Tà đều tháo nón, lột khăn, kính cẩn nghiêng mình chào ông Tà. Ông Tà thường được thờ trong miếu, hoặc hốc cây, hoặc phối thờ cùng với bàn thờ Thông Thiên, bàn thờ ông Ðịa... với hình tượng là một hòn đá nhẵn nhụi, có khi nhỏ như hòn sỏi, có khi nặng đến vài chục kí-lô-gam.

Cách đây vài chục năm, nếu đi sâu vào các ấp, các xã của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chúng ta dễ dàng bắt gặp những “miếu ông Tà” (hay “miễu ông Tà”) ở ven các sông, rạch, hoặc ngã ba, ngã tư sông. Có ngôi miếu lớn như nhà ở, người ta có thể vào bên trong để thắp nhang khấn vái, cầu nguyện; có ngôi miếu nhỏ như miếu Thổ thần, chỉ cao khoảng 70-80 cm. Bên trong miếu bao giờ cũng có một bàn thờ nhỏ, phía trên đặt một “ông Tà” và một lư hương, vài cái ly nhỏ, kèm theo những vật cúng có khi nải chuối hoặc vài cái bánh in, trứng vịt, trứng gà,…

Ngày nay, khi đến tham quan Khu di tích Gò Tháp du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh miếu ông Tà vẫn còn ở một vài nơi trong Khu di tích, là ngôi miếu nhỏ ở phía trước sân di tích miếu Bà Chúa Xứ, diện tích khoảng 01mét vuông, bên trong trang trí đơn sơ với 01 viên đá to khoảng 6-10 kg có hình bầu dục, một lọ cắm nhang, 03 chung nước, 01 chai nước và 01 chai rượu trắng, miếu được dựng dưới gốc cây còng khoảng trên 20 năm tuổi, tuy không có quy mô rộng lớn, không trang hoàng lộng lẫy như những ngôi miếu khác ở Nam bộ nhưng đây là tất cả lòng thành kính của người dân Gò Tháp dành cho vị thần xứ sở cai quản ruộng vườn và thường xuyên ra vào thắp nhang và cúng viếng.

Miếu thờ ông Tà cạnh gốc cây ở Khu di tích Gò Tháp

Đối với lễ cúng ông Tà vật cúng chỉ gồm cá lóc nướng trui, mắm nêm, rau ráng luộc, rượu đế, chuối chát. Theo lệ, khi cúng gia chủ phải ăn, uống một miếng trước, để chứng tỏ đồ cúng không có độc. Mục đích của lễ cúng là để cầu an, mưa thuận gió hoà, được mùa vụ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn có lễ cúng riêng để cầu mong vượt qua tai nạn, bệnh tật, xui rủi... Lễ cúng xong người ta có thể ăn uống tại chỗ, không được mang về. Trước khi làm điều gì hệ trọng như xuống đồng cày ruộng, chữa trị cho gia súc bị bệnh… người dân đều cầu xin van vái ông Tà (Nguyễn Hữu Hiếu 2019, tr.252).

Miếu thờ ông Tà trong khuôn viên Miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp

Tục thờ ông Tà từ lâu trở nên quen thuộc với người dân Đồng Tháp nói chung và người dân ở Gò Tháp nói riêng, không chỉ phổ biến trong đồng bào dân tộc Khmer mà cả người Kinh cũng tổ chức thờ cúng. Dân gian có câu: “Ông Ðịa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”. Vì thế, nếu ông Ðịa được xem như một gia thần ở trong nhà thì ông Tà trở thành thần bảo hộ cho vườn tược, đồng ruộng.

Tục thờ ông Tà trong tâm thức của người dân Việt nói chung và người dân ở Gò Tháp (Tháp Mười, Đồng Tháp) nói riêng là sự tiếp nối quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa người Kinh và người Khmer qua nhiều thế hệ cộng cư đã biến thần Neak-Tà của người Khmer trở thành ông Tà của người Việt. Qua đó, thể hiện mong ước của con người có cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc, gửi gắm niềm tin, tín ngưỡng vào vị thần bảo hộ, có nhiệm vụ trông coi đồng áng, giúp mùa màng bội thu, đồng thời nêu cao truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn bao đời nay mà ông cha ta để lại. Đó chính là giá trị nhân văn, giá trị truyền thống đạo đức của người Việt Nam./.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp 2016, Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ 1. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Hữu Hiếu 2019, Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, tr.250-255.

            3. tuoitre.vn/ong-ta-trong-tin-nguong-dan-gian-nam-bo-296385.htm

            4.http://baocamau.com.vn/van-hoa/tuc-tho-ong-ta-trong-dan-gian-38798.html

           Bài và ảnh: Phạm Thị Hương