Xuất bản thông tin

null GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT CỦA DI TÍCH GÒ THÁP MƯỜI TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA ÓC EO Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT CỦA DI TÍCH GÒ THÁP MƯỜI TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA ÓC EO Ở KHU DI TÍCH GÒ THÁP

Di tích Gò Tháp Mười là nơi lưu giữ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, trong đó nổi bật nhất vẫn là giá trị về mặt khảo cổ học.Di sản văn hóa khảo cổ ở di tích Gò Tháp Mười nói riêng và cả Khu di tích Gò Tháp nói chung có giá trị rất lớn trong nghiên cứu nhiều phương diện về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở Nam bộ.

Quang cảnh di tích Gò Tháp Mười.

Gò Tháp Mười có diện tích khoảng 4.500m2, là gò cao nhấtlớn nhất trong quần thể các gò cao trong Khu di tích Gò Tháp. Trên bề mặt gò, ngoài phế tích “Tháp Mười Tầng” của chính quyền Ngô Đình Diệm (đã bị bộ đội đặc công tỉnh Kiến Phong đánh sập vào ngày 04/01/1960), còn có nhiều khối đá kiến trúc lớn thuộc nền văn hóa Óc Eo (có thể ghép lại với nhau) và những cây cổ thụ, trong đó có cây Trôm cổ thụ được Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh là cây Di sản Việt Nam.

1. Gò Tháp Mười là di tích kiến trúc khảo cổ quan trọng thuộc nền văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp

Cho đến nay, di tích Gò Tháp Mười đã trải qua 02 lần thăm dò và 03 lần khai quật khảo cổ. Mỗi lần khai quật đã đem lại nhiều tư liệu nhận thức mới, bổ sung cho nhau, góp phần chứng minh rõ cho tính chất của một ngôi đền thần Vishnu, tồn tại và phát triển song hành với nền văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp. 

- Đợt thăm dò di tích Gò Tháp Mười lần thứ nhất: do các nhà Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành năm 1984. Các nhà khảo cổ học đã đào các hố thăm dò ở phía bắc của gò đã ghi nhận về dấu vết của một nền kiến trúc gạch khá bằng phẳng và một vỉa gạch có dáng thấp ở ngoài triền gò, cao dần về phía Nam và ăn sâu vào lòng gò, nằm dưới những phế tích bê tông cốt sắt của ngôi Tháp Mười Tầng bị sụp đổ. Dựa vào địa tầng của hố đào thám sát, các nhà khảo cổ học đã nhận định Gò Tháp Mười không phải là gò tự nhiên mà là gò đất đắp (Đào Linh Côn 1996, tr.2).

- Đợt thám sát di tích Gò Tháp Mười lần thứ hai: do các nhà Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thực hiện vào năm 1996, các nhà khảo cổ học đào 03 hố thăm dò trên đỉnh và phía Nam – Tây Nam của gò, đã phát hiện nền kiến trúc ở mặt phía tây và Tây - Nam được xây thành bậc thang có mặt bậc rộng (ít nhất có 5 bậc) là một kiến trúc có cấu trúc khác lạ so với những kiến trúc đã được phát hiện trong các di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo ở Nam bộ (Đào Linh Côn 1996, tr.6).

- Đợt khai quật di tích Gò Tháp Mười lần thứ nhất: do các nhà Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành vào năm 1998. Lần này, di tích Gò Tháp Mười được khai quật một phần ở phía Tây Nam của gò. Đợt khai quật đã làm phát lộ ¼ kiến trúc xây hoàn toàn bằng gạch dài đông tây 17.30m rộng bắc nam 12.0m có hướng ăn sâu vào lòng gò. Trong lúc khai quật đường móng phía Nam của kiến trúc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hai tượng thần Vishnu (cả hai tượng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia) và nhiều di vật có giá trị khác. Hai tượng thần Vishnu tìm được trong đợt khai quật này là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học và chúng được tìm thấy trong một địa tầng xác định (insitu) là cơ sở khoa học thuyết phục nhất để các nhà khảo cổ học xác định di tích kiến trúc cổ Gò Tháp Mười là đền của thần Vishnu thuộc nền văn hóa Óc Eo.

- Đợt khai quật di tích Gò Tháp Mười lần thứ hai: do Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tiến hành khai quật xung quanh chân di tích Gò Tháp Mười vào tháng 1 năm 2015, kết quả khai quật đã đem lại nhiều tư liệu mới, góp phần nhận thức rõ kiến trúc đã phát hiện năm 1998. Trong đợt khai quật này còn phát hiện ở phía Đông di tích còn phát hiện một Ao Thần (Stepped pond) hình vuông, có số đo mỗi cạnh là 24m và một đường đi bằng gạch có kích thước lớn chạy dài theo hướng Đông Tây, lệch Bắc 4o, có chiều dài phát hiện được là 14.8m nhưng còn có dấu hiệu kéo dài ra hai hướng Đông và Tây, có chiều rộng trung bình khoảng 5.0m (Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016, tr.54-58).

- Đợt khai quật di tích Gò Tháp Mười lần thứ ba: Tháng 6 năm 2016, Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khai quật khai quật phần còn lại của đền thần Vishnu Gò Tháp Mười. Đợt khai quật này làm xuất lộ nhiều di tích kiến trúc phù trợ xung quanh kiến trúc đền thần Vishnu ở đỉnh gò, phát hiện thêm một kiến trúc sân lễ hội Mandapa trước đền và có xu hướng ăn sâu vào lòng gò và nằm bên dưới phế tích Tháp Mười Tầng (Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016, tr.105-106).

Du khách tham quan di tích kiến trúc đền thần Vishnu Gò Tháp Mười.

Qua kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh được di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười là một di tích kiến trúc lớn thuộc nền văn hóa Óc Eo, có nhiều kiến trúc phụ bao gồm: Ao thần, đường dẫn lên đền, đền chính. Thông qua các hiện vật khảo cổ tìm thấy tại di tích, các nhà khảo cổ còn định được niên đại của di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười, cụ thể như sau:

- Kết quả phân tích C14 của mẫu cọc gỗ gia cố móng của ¼ kiến trúc di tích được khai quật năm 2015, mẫu cọc gỗ được lấy ở độ sâu 295cm so với đỉnh gò, có ký hiệu 15GTM (295cm) do Trung tâm hạt nhân TP. Hồ Chí Minh phân tích cho kết quả niên đại là 1790 ± 90 = 160 ± 90 (thế kỷ thứ II) (Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016, tr.60).

- Hai pho tượng thần Vishnu được phát hiện năm 1998 tại di tích được xác định niên đại như sau: tượng Vishnu ký hiệu BTĐT CV-451/Đ78 được định niên đại vào khoảng thế kỷ VI; tượng Vishnu ký hiệu BTĐT CV-452/Đ79 được định niên đại vào khoảng thế kỷ VII (Lê Thị Liên 2006, tr.69-73).

- Về tư liệu gốm: Các đợt thám sát, khai quật khảo cổ đã tìm được rất nhiều mảnh gốm Óc Eo, đáng chú ý trong số đó là 01 mảnh diềm ngói ký hiệu 15GTM.H3, có trang trí hình người ngồi trong tư thế phồn thực và 04 mảnh vỡ gốm celadon Khmer có của dạng hộp gốm hình trái bí ký hiệu 15GTM.H7 tìm được trong đợt khai quật lần thứ hai. Các hiện vật gốm này đã được các nhà khảo cổ học xác định có niên đại khoảng thế kỷ XI - XII A.D (Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016,tr.60-61).

Từ những kết quả phân tích niên đại trên cho thấy di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười được cư dân Óc Eo ở Gò Tháp xây dựng, trùng tôn, tôn tạo và sử dụng trong một thời gian dài, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII.

2. Cung cấp bằng chứng của đợt biển tiến Holocen muộn trong thời văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp và Nam bộ qua địa tầng khảo cổ.

Các nghiên cứu địa chất cho biết: trong giai đoạn Holocen muộn (từ 3.000 năm trước đến ngày nay), có một đợt biển tiến quy mô nhỏ ở đồng bằng Nam Bộ, gọi là biển tiến Holocen IV khoảng từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XII mà vào giữa thế kỷ VII mức nước cao trung bình là 0,8m. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo.

Thực tế khi khai quật tại Gò Tháp Mười năm 2015 cho thấy, trên bề mặt các di tích kiến trúc xuất hiện trong hố khai quật đều có phủ một lớp các trắng (cát biển) dày từ 10 – 25 cm, đều đó chứng minh được rằng: trong thời văn hóa Óc Eo, ở Gò Tháp cũng từng bị ảnh hưởng nặng nề và lâu dài của đợt biển tiến Holocen IV.

Hai bản sao tượng thần Vishnu Gò Tháp được đặt tại vị trí phát hiện tượng.

Thêm vào đó, việc hai pho tượng thần Vishnu được tìm thấy trong tư thế chôn ngửa ở phía nam của kiến trúc trong lớp gạch vỡ và đất sét nện chặt. Điều đó cho thấy người xưa đã cố ý chôn giấu hai pho tượng thần này. Giả thiết được các nhà khoa học đưa ra là có thể do cư dân nơi đây trước lúc chuyển đến sinh sống trên vùng cao hơn nhằm tránh nước biển dâng, họ đã giấu hai pho tượng thần để khỏi bị hủy hoại hoặc mất cắp. Nơi chôn giấu tốt nhất mà họ đã chọn là ngay trong đền thần vì đền thần chính là nơi ngự của thần. Khi chôn giấu họ còn xếp hai pho tượng thần vuông góc với nhau, đặt một cụm 4 viên gạch xếp hình chữ Vạn (Svastika) giữa hai pho tượng để cầu may mắn, rồi gia cố chặt bằng nhiều lớp gạch vụn và đất sét. Và như vậy, nếu cần sự che chở bảo vệ của thần thì họ quay lại đền, cầu nguyện vì thần lúc nào cũng ở ngay trong đền để lắng nghe. Việc cố ý chôn giấu tượng thần Vishnu ở Gò Tháp Mười là một trong những bằng chứng chứng minh cho việc cư dân Óc Eo đã rời bỏ các vùng thấp trũng để đến nơi cao hơn sinh sống nhằm ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

***

Những kết quả nghiên cứu về di tích kiến trúc đền thần Vishnu Gò Tháp Mười (thuộc Khu di tích Gò Tháp) sẽ cung cấp những thông tin khoa học cho nghiên cứu so sánh với các kiến trúc cùng tính chất trong văn hóa Óc Eo Nam bộ nói chung, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề còn nhận thức chưa đồng nhất khi nghiên cứu về các di tích kiến trúc trong văn hóa Óc Eo góp phần chứng minh tính toàn vẹn và tính xác thực cho quần thể di tích Óc Eo ở Gò Tháp trong hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là di sản văn hóa Thế giới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Linh Côn 1996, Báo cáo thám sát khu di tích Gò Tháp năm 1996, Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hữu Lý 2016. Báo cáo khai quật chân Gò Tháp Mười . Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

3. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Huỳnh Như, Hà Thị Sương 2017, Báo cáo khai quật Gò Tháp Mười và thăm dò Khu di tích Gò Tháp năm 2016, Tư liệu Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp.

4. Nguyễn Hữu Lý, Phùng Quốc Danh 2017, “Thần Vishnu ở Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)”, Nam bộ đất và người, tập 12. Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.213-227.

5. Lê Thị Liên 2006, Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo Đồng bằng Sông Cửu Long trước thế kỷ X, Nxb. Thế Giới.

6. Phan Huy Lê 2007, Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận, Nxb. Giáo Dục.