Xuất bản thông tin

null Phát huy giá trị tín ngưỡng, tâm linh gắn với giá trị văn hoá khảo cổ để phát triển du lịch

Chi tiết bài viết Tin tức

Phát huy giá trị tín ngưỡng, tâm linh gắn với giá trị văn hoá khảo cổ để phát triển du lịch

Vừa qua, Sở Văn  hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học (trực thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật khảo cổ năm 2021; báo cáo rà soát việc thực hiện Dự án và Kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (gọi tắt là Khu di tích). Ông Nguyễn Ngọc Thương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và TS Nguyễn Gia Đối - Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học đồng chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan; bà Đoàn Duy Thuỳ Ngạn - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội dự Hội nghị.

 

Theo đó, đại biểu tham dự Hội nghị đã tham quan thực tế các hố khai quật khảo cổ, đồng thời được nghe báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ, lập hồ sơ khoa học đánh giá giá trị Văn hoá Óc Eo phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích năm 2021; báo cáo rà soát việc thực hiện Dự án và Kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Trên cơ sở kết quả đạt được của cuộc khai quật, Viện khảo cổ học kiến nghị Khu di tích đã cung cấp những bằng chứng quan trọng cho việc nhận thức về cấu trúc, quy mô và bước đầu nhận diện lịch sử; tuy nhiên bức tranh lịch sử, văn hoá của Khu di tích còn nhiều khoảng trống trong khuôn khổ của một cuộc khai quật chưa thể lấp đầy, cần thêm những cuộc khai quật nghiên cứu tổng thể để nghiên cứu, đánh giá giá trị tổng thể. Khu di tích không chỉ chứa đựng một khu cư trú và các kiến trúc tôn giáo mà còn là một minh chứng sống động cho lịch sử tiếp xúc, giao lưu và tiếp nhận với nhiều vùng văn hoá, phản ánh quá trình khai mở vùng đất. Do đó, cần sớm có phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tổng thể các di tích văn hoá Óc Eo miền Tây Nam Bộ, cũng như đời sống văn hoá tâm linh của cư dân Nam Bộ; đây là ưu thế quan trọng tạo nên tính khả thi của việc bảo tồn và phát huy di tích văn hoá Óc Eo trong lòng di tích Chùa - Đền Việt đang sống; ngoài việc bảo tồn như một bảo tàng ngoài trời, xây dựng mái che, bao che lại toàn bộ di tích cần phát huy một cách hợp lý như quy hoạch cảnh quan không gian để đáp ứng yêu cầu căn bản là bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng, truyền cho di tích "sức sống" của cộng đồng hôm nay, mở ra cơ hội thu hút khách đến tham quan, hành hương và chiêm bái.

Đồng thời lãnh đạo Khu di tích đề xuất kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 cần phải xây dựng tượng Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều, cổng chào, biểu tượng xếp hạng, nhà đón tiếp hướng dẫn, nhà bao che bảo quản di tích Giếng thần, mở rộng bãi xe tập trung Gò Tháp - Đồng Sen, nâng cấp cải tạo cảnh quan, lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động, khu vườn tượng Thánh địa văn hoá Óc Eo - Phù Nam.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Ngọc Thương đánh giá Hội nghị đã hoàn thành việc thăm dò, khai quật khảo cổ tại Khu di tích theo Quyết định 2691/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, đồng thời nghe báo cáo tham luận của các nhà khoa học, của các chuyên gia về khảo cổ học... Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh tiếp tục phát huy giá trị khảo cổ, đặc biệt là các giá trị di tích cần khai thác, bảo quản...; tiếp tục củng cố lập hồ sơ khoa học di tích văn hoá Óc Eo trình Trung ương để kiến nghị UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới, đồng thời phát huy giá trị tín ngưỡng, tâm linh gắn với giá trị văn hoá khảo cổ để khai thác tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: Võ Văn Đề