Sisältöjulkaisija

null Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quê hương Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quê hương Đồng Tháp

Đây là chuyên đề thứ 3 của phiên thảo luận trước thềm Phiên toàn thể của Hội thảo khoa học “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân”, được tổ chức vào chiều ngày 03/12, do Phó Bí thư Tỉnh ủy/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Kim Loan điều hành.

Thạc sĩ Lê Xuân Thành – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp trình bày tham luận

Với chuyên đề này, Ban Tổ chức đã nhận được 31 bài tham luận, trong đó có 09 bài tham luận được trình bày trực tiếp và 01 ý kiến thảo luận. Trong đó, các đại biểu tập trung làm rõ, sâu sắc hơn về những đóng góp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với phong trào yêu nước ở Đồng Tháp; nguyên nhân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn Cao Lãnh là nơi sống những năm cuối đời; tấm lòng và quyết tâm của quân, dân Đồng Tháp trong bảo vệ, gìn giữ ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng như thể hiện sự tôn kính, tri ân qua việc tổ chức lễ giỗ của Cụ hằng năm.

Bên cạnh đó, các tham luận còn tập trung vào nội dung học tập và vận dụng tinh thần cần cù, hiếu học của Cụ; sự kế thừa, phát huy giá trị đạo đức và phong cách của cụ Nguyễn Sinh Sắc trong xây dựng văn hóa và thanh niên Đồng Tháp; phát huy giá trị nhân cách của Cụ trong công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên v.v..

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận các tham luận, ý kiến thảo luận

Đây là những thông tin, tư liệu quý, làm phong phú thêm những đóng góp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với phong trào yêu nước tại Đồng Tháp và tấm lòng của người dân Đồng Tháp đối với Cụ. Chính những phẩm chất tốt đẹp của Cụ đã tạo nên nhân cách, tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước, thương dân, phong cách, đạo đức của Người luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp học tập, noi theo – Phó Bí thư Tỉnh ủy/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Đánh giá cao các tham luận và thảo luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp thêm tư liệu cho hội thảo khoa học về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Theo tham luận tại phiên thảo luận chuyên đề 3:

*Khi sống tại Cao Lãnh, cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh hoạt như một người dân bình thường, chia sẻ những bữa cơm đạm bạc với bà con nông dân. “Hàng ngày cụ Sắc đi bộ ra tiệm thuốc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh để xem mạch, kê toa trị bệnh cho bà con ở địa phương, đồng thời tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân”. Sự gắn bó mật thiết với người dân địa phương cũng giúp cụ Nguyễn Sinh Sắc có thêm cơ hội để truyền bá tinh thần yêu nước, khuyến khích người dân giữ vững ý chí và đạo đức trong bối cảnh đất nước bị thực dân cai trị.

Tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của người dân Cao Lãnh đã tạo nên một môi trường lý tưởng, không chỉ giúp Cụ Phó bảng có một nơi an cư cuối đời mà còn là nơi ông có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phụng sự dân tộc. Sự kính trọng và lòng hiếu khách của người dân nơi đây là một lý do quan trọng giúp cụ Nguyễn Sinh Sắc cảm thấy gắn bó và an tâm khi chọn Cao Lãnh làm nơi sinh sống.

*Ngày Cụ Phó bảng mất (đêm 26 rạng sáng ngày 27/11/1929, nhằm ngày 26, 27 tháng 10 âm lịch), bà con làng Hòa An vô cùng thương tiếc và tổ chức lễ tang cho Cụ tại nhà ông Năm Giáo một cách trang trọng.

Khi Cụ mất, giặc ra lệnh cấm mọi người không ai được phát cỏ xung quanh hoặc chăm sóc ngôi mộ Cụ. Nhưng mộ sạt lở chỗ nào thì đêm xuống Nhân dân âm thầm đội gạch, ngói ra lấp lại... Bà con đã nghĩ ra nhiều cách để sơn quét vôi ngôi mộ của Cụ hàng năm và kiên quyết bảo vệ mộ bằng mọi hành động, trong mọi hoàn cảnh. Vậy nên trải qua hai cuộc chiến tranh, mộ Cụ Phó bảng vẫn được bảo vệ vẹn nguyên và chăm sóc cẩn thận.

Vào năm 1954, sau khi tiếp quản thị trấn Cao Lãnh, Đại đội 948 và Đại đội 949 thuộc Tiểu đoàn 311 tỉnh Đội Long Châu Sa nhận nhiệm vụ xây dựng lại mộ Cụ Phó bảng. Sau khi nước nhà được hoàn toàn giải phóng, Đồng Tháp đã cho tiến hành xây dựng lại ngôi mộ và được tôn cao hơn so với ngày trước nhưng vẫn nằm đúng vị trí mà trước đây bà con Hoà An đã an táng Cụ. Năm 1992, Bộ Văn hóa thông tin và Thể thao đã ra quyết định công nhận Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là di tích cấp quốc gia.

Theo Nguyệt Ánh – dongthap.gov.vn