Xuất bản thông tin

null Lễ giỗ cụ Nguyễn Quang Diêu lần thứ 87

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Lễ giỗ cụ Nguyễn Quang Diêu lần thứ 87

Trong hai ngày 01 và 02/7/2023 (nhằm 14 và 15/5 năm Quý Mão), tại Khu di tích Mộ cụ Nguyễn Quang Diêu (ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây), Uỷ ban nhân dân xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh tổ chức lễ giỗ lẫn thứ 87 của cụ Nguyễn Quang Diêu.

Tham dự lễ giỗ có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Nguyễn Phước Thiện, các vị nguyên lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, xã Tân Thuận Tây, đại diện họ tộc và các bạn đoàn viên, các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Quang Diêu, Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu đã đến viếng, dâng hương lên phần mộ cụ Nguyễn Quang Diêu.

Cụ Nguyễn Quang Diêu sinh năm Canh Thìn (1880), tự là Tử Ngọc, hiệu Cảnh Sơn (hay Nam Sơn), người thôn Tân Thuận Tây, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Nhân Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc thành công (1911), nhà ái quốc Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Quốc (tháng 5/1912), Hội cho người về móc nối với cơ sở trong nước. Cường Để về Nam Kỳ, Nguyễn Quang Diêu tiếp xúc với Cường Để tại một địa điểm bí mật ở Long Xuyên (nay là An Giang) để nhận nhiệm vụ.

Tháng 5/1913, Cụ dẫn đầu một phái đoàn gồm có Đinh Hữu Thuật và 10 đồng chí khác cùng với hai thiếu niên sang Hồng Kông hoạt động. Vừa đến nơi, tất cả đều bị thực dân Anh bắt và chúng giao Cụ cho Pháp ở Việt Nam và bắt giam ở Hoả Lò (Hà Nội), rồi đày sang Ghi – am (Guyane, Nam Mỹ). Năm 1917, Cụ vượt ngục trốn sang đảo Tri – Ni – Dad (thuộc địa Anh) giả dạng làm người Trung Quốc. Năm 1920, Nguyễn Quang Diêu sang Wa – Shing – Ton (Mỹ) rồi thẳng đường về Trung Quốc, Hồng Kông tìm cách bắt liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam ở hải ngoại.

Cuối năm 1926, Cụ bí mật về hoạt động trong nước. Sau một thời gian ở Sài Gòn, Cụ tới Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) vào đầu năm 1927, được sự hỗ trợ nhiệt tình của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và cụ Võ Hoành.

Năm 1930, được một số hương chức làng Vĩnh Hòa (Tân Châu) giúp đỡ, Cụ mở trường dạy học ở đây. Ngày 15 tháng 5 năm Canh Tý (1936), Cụ bị bệnh qua đời, được đồng bào, đồng chí và môn sinh an táng tại làng Vĩnh Hoà (năm 1989 được cải táng về quê nhà).

Khu Di tích mộ cụ Nguyễn Quang Diêu khánh thành vào ngày 14/02/2007 và được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Tên cụ Nguyễn Quang Diêu được đặt cho các tuyến đường trong tỉnh, tên trường học tại thành phố Cao Lãnh và huyện Tân Hồng, đặc biệt là Giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên Nguyễn Quang Diêu.

Lư Liễm