资产发布器

null Đồng Tháp: nhiều mô hình hiệu quả góp phần xây dựng đời sống văn hóa

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp: nhiều mô hình hiệu quả góp phần xây dựng đời sống văn hóa

Trong những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển sâu rộng, trong đó có nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Tổ Nhân dân tự quản là một trong những mô hình sáng tạo, hiệu quả đóng góp rất lớn trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có 12.319 Tổ Nhân dân tự quản, với 441.170 thành viên. Ban Công tác Mặt trận ấp, khóm thường xuyên tổ chức các hoạt động ra quân “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” gắn với thực hiện các nội dung, phần việc cấp thiết tại cộng đồng dân cư; duy trì hoạt động thường xuyên vào thứ 7 hàng tuần, chỉnh trang cảnh quan môi trường, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, xây dựng hạ tầng nông thôn,... góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, đã vận động tham gia xây mới 96 km đường giao thông nông thôn; rải đá, đắp taluy, sửa đường chiều dài 272 km, tổng kinh phí 104 tỷ đồng; trồng hoa 334 km trên các tuyến đường nông thôn; tham gia xây mới và sửa chữa 189 cây cầu bê tông, giá trị trên 42,5 tỷ đồng.

Hình ảnh một buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản 18, ấp Mỹ Phú Đất Liền, Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”. Đến nay, tại 141 xã, phường, thị trấn có 698 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 409 đường dây nóng, 644 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 1.005 địa chỉ tin cậy được bố trí tại  khóm, ấp nhằm hỗ trợ công tác tuyên truyền, tư vấn và phát hiện các vụ việc bạo lực gia đình, xây dựng gia đình phát triển bền vững. Kết quả, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 07 vụ bạo lực gia đình (giảm 27 vụ so với năm 2023).

Hình ảnh một buổi sinh hoạt CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại ấp Ba, xã An Phong, huyện Thanh Bình

Bên cạnh đó, các mô hình về an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 101 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nổi bật là mô hình “Câu lạc bộ Người hoàn lương” với 67 Câu lạc bộ, 810 thành viên; hiện có 389 người vay vốn Quỹ Phát triển tái hoà nhập cộng đồng (với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng), hàng năm giúp kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội dưới 05%; thực sự là điểm tựa để những người từng lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tự ti để tái hòa nhập với cộng đồng.

Hình ảnh một buổi sinh hoạt mô hình “Câu lạc bộ Người hoàn lương” của xã An Bình, huyện Cao Lãnh

Mô hình Hội quán - là một trong những mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 152 Hội quán, với 7.625 thành viên. Trong năm, tỉnh đã thành lập mới 05 Hội quán, đặc biệt đã thành lập Hội quán đầu tiên về OCOP của tỉnh Đồng Tháp. Các loại hình hoạt động của Hội quán đa dạng như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột... Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên được chia sẻ và trao đổi các chính sách, chủ trương của nhà nước, về thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cấp mã vùng trồng, quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng vật nuôi… góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất cho thành viên, chất lượng sản phẩm của Hội quán gắn với liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Hình ảnh một buổi sinh hoạt tại Nhân Tân Hội quán, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Ngoài ra, còn có một số mô hình khác như: mô hình “Mốc khóa an ninh”, “Tin nhắn an ninh” trên điện thoại di động của ngành Công an; “Hủ gạo nhân ái gắn với tủ đồ vì người nghèo”, “Mỗi Chi hội giúp 01 hộ nghèo thoát nghèo bền vững” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” của Công đoàn; mô hình “Điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi”, “Tuyến đường thanh niên chuyển đổi số” của Đoàn Thanh niên; “Góc học tập”, “Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập” của Hội Khuyến học; mô hình Tủ sách khuyến học của Thư viện Tỉnh; mô hình “Ứng dụng phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng bằng thiết bị bay không người lái”…

Hình ảnh một số mô hình hiệu quả khác:

Hình ảnh Trạm dừng chân nghĩa tình

Hình ảnh Lễ ra mắt Dòng họ học tập - Họ Võ, ấp Mỹ Phú B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Tủ sách khuyến học tại thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp

Việc triển khai, nhân rộng các mô hình đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, giúp cho Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được nâng cao về chất, gắn bó với các phong trào và cuộc vận động thi đua yêu nước khác, đồng thời phát huy tính sáng tạo của người dân trong cộng đồng dân cư.

Tài Linh