Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp xác định chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là nhiệm vụ quan trọng

Chi tiết bài viết Tin tức

Đồng Tháp xác định chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là nhiệm vụ quan trọng

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” trong đó nhấn mạnh rằng nước ta cần ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh.

Năm 2022 là giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân, toàn diện. Theo đó, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch cũng được diễn ra quyết liệt trên nhiều địa phương. Đây là động lực để mỗi doanh nghiệp du lịch phấn đấu phát triển trở thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hiện đại. Làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào ngành du lịch lan tỏa mạnh mẽ để phát triển các nền tảng số, kết nối cung cầu. Đồng thời đào tạo về du lịch thông minh, chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng trở thành một chuyên ngành hấp dẫn, thức thời trong kỷ nguyên số.   Năm 2022 cũng là năm đầu tiên ngày 10/10 được chọn là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Đồng Tháp cũng quyết định chọn ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số hằng năm của tỉnh với mong muốn tiến trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp sẽ song hành cùng nhịp bước của quốc gia. Để cụ thể hóa quyết tâm ấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này đồng thời xác định nông nghiệp, giáo dục, y tế là 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để tập trung thực hiện chuyển đổi số. Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Chuyển đổi số đã được các cơ quan, đơn vị ở Đồng Tháp tổ chức thực hiện một cách đồng bộ.

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, qua đó thúc đẩy du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030" đang được tích cực triển khai thực hiện. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã vận hành hiệu quả Cổng thông tin Du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh Đồng Tháp, địa chỉ truy cập: https://dulich.dongthap.gov.vn. Qua đó đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động du lịch; tăng cường sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời, giúp công tác quản lý thuận tiện, hiệu quả hơn.  Cổng thông tin Du lịch thời gian qua đã làm khá tốt vai trò quảng bá du lịch Đồng Tháp. Là kênh thông tin chính thống cung cấp thông tin về các điểm tham quan, sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi thông tin khách du lịch; chức năng thống kê, báo cáo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Một số ứng dụng chuyển đổi số đã được ngành du lịch Đồng Tháp sử dụng như công nghệ thực tế ảo (VR), đã triển khai cho 04 điểm: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu Văn hoá Phương Nam, Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, Làng hoa Sa Đéc.

Giao diện thực tế ảo VR360 khu Văn hoá Phương Nam

Giao diện thực tế ảo VR360 Làng hoa sa Đéc

Giao diện thực tế ảo VR360 Di tích Nguyễn Sinh Sắc

Chia sẻ dữ liệu qua Trung tâm điều hành thông minh IOC.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) thành phố Cao Lãnh

Quét mã QR code trong thanh toán và truy cập thông tin các địa điểm tham quan, thuyết minh tự động đã được triển khai tại tất cả các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh.

Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục triển khai Đề án chuyển đổi số Tỉnh, đối với du lịch dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch của tỉnh; xây dựng bản đồ số du lịch với các thông tin được chuẩn hóa; (2) Triển khai ứng dụng theo hướng tất cả dịch vụ du lịch trong một ứng dụng, hỗ trợ khách du lịch trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau chuyến đi (đặt phòng tour du lịch và tham quan thuê xe vận chuyển, vé máy bay; mua các dịch vụ du lịch trực tuyến...); kết nối Cổng góp ý và các hệ thống khác nhằm tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; đánh giá mức độ hài lòng của khách du lịch; kết nối với Cổng thanh toán trực tuyến và các nền tảng thanh toán trực tuyến, mua vé trực tuyến khác. (3) Triển khai ứng dụng quản lý truy vết khách du lịch, thẻ vé qua QR Code. (4) Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ mới khác, đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với khách du lịch cũng như các điểm đến du lịch. (5) Khuyến khích, đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến (qua ví điện tử thẻ ngân hàng trực tuyến QR Code...) tại các điểm đến du lịch.

Khánh Vân