Xuất bản thông tin

null Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc phát huy giá trị di sản Văn hóa phục vụ nhân dân

Chi tiết bài viết Tin tức

Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc phát huy giá trị di sản Văn hóa phục vụ nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng những nội dung, giá trị cốt lõi trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm cũng là yêu cầu của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức viên chức gắn với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Trong bài viết này xin nêu một số kết quả hoạt động của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Khu di tích) nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách của Bác gắn với công tác Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Văn hóa phục vụ nhân dân.

Về nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Như chúng ta đã biết, từ xưa đến nay, bản sắc văn hóa của dân tộc vốn nền tảng làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng người Việt Nam chúng ta vượt qua biết bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, chính bản sắc văn hóa dân tộc đã thể hiện tất cả trong nội lực con người Việt Nam, để rồi không ngừng phát triển và lớn mạnh.

Bảo tồn di sản văn hóa là một việc làm luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, bởi vì di sản văn hóa chính là vốn quý của dân tộc để lại cho muôn đời sau. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn dân tộc, về sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa... đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trong quần chúng. Nó góp phần gìn giữ những di sản văn hóa tinh thần quý báu, trong đó ngoài các thiết chế văn hóa hiện hữu, thì còn có tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, khoan dung..., từ đó nuôi dưỡng tinh thần, sức sống dẻo dai của người Việt Nam trong lịch sử để không ngừng vươn lên. Di tích văn hóa lịch sử đang được bảo tồn, tôn tạo để các thế hệ sau có thể sử dụng kế thừa những giá trị tốt đẹp, nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử dân tộc là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, trong đó xác định: Bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Tại Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ: Cấm phá hủy đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc học tập theo Di chúc của Bác

Trước tiên xin điểm qua vài mốc thời gian lịch sử Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc từ khi thành lập đến nay. Khu di tích được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 đến ngày 13/02/1977. Di tích là một khu phức hợp, gồm nhiều bộ phận kiến trúc như: mộ, vòm mộ, tượng đài, ao sen, nhà trưng bày về cuộc đời Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phòng trưng bày về cuộc đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Bác Hồ (tỉ lệ 1:1 theo mô hình nhà sàn nơi ở và làm việc của Bác tại Hà Nội), văn phòng làm việc của Ban quản lý di tích, khuôn viên cảnh quan…

Từ khi thành lập, nơi đây đã trở thành địa điểm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, học tập,vui chơi, giải trí mỗi năm. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của khu di tích này, ngày 9/4/1992 Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) đã ban Quyết định số 420/QĐ-BVHTT xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Việc sử dụng và phát huy hiệu quả giá trị của Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhiều năm qua đã phục vụ tốt nhu cầu đến viếng, học tập, nghiên cứu, tham quan vui chơi giải trí của du khách trong nước và quốc tế. Xuất phát từ nhu cầu thực tiển, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chủ trương đầu tư mở rộng, cải tạo, xây dựng mới nhiều hạng mục công trình nhằm tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di tích, xứng tầm với xu thế phát triển xã hội hiện nay.

Những hạng mục cải tạo và xây dựng mới ở Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 02/12/2010. Hơn ba mươi năm xây dựng hình thành, Khu di tích còn được mở rộng với diện tích trên 9 ha, và hình thành một quần thể di tích rộng lớn với: Khu mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc; Mô hình Nhà Sàn Bác Hồ; Ao Sen, Nhà trưng bày về cuộc đời hoạt động của Cụ Phó bảng Khu Làng Hòa An xưa. Khu di tích đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, một điểm tham quan, du lịch và nghiên cứu, học tập… đối với nhiều tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Nhằm đáp ứng tốt những yêu cầu về hưởng thụ văn hóa của nhân dân, Khu di tích luôn chú trọng đến công tác đón tiếp khách tham quan chu đáo, tận tình. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời tổ chức sưu tầm bổ sung những tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hoặc những câu chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Phó Bảng, nhất là giai đoạn Cụ về sinh sống, hoạt động tại làng Hòa An - Cao Lãnh - Đồng Tháp, đồng thời hoàn thiện các sản phẩm du lịch, chỉnh trang cơ sở hạ tầng một cách tốt nhất.

Nhìn chung, cơ sở vật chất các công trình, hạng mục trong Khu di tích đã khá hoàn chỉnh, những cứ liệu lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc trong phòng trưng bày tương đối đầy đủ để chuyển tải thành nội dung tuyên truyền, phổ biến và giáo dục truyền thống cho nhân dân.

Vấn đề đặt ra là phải “mềm hóa” chủ trương để phù hợp với tình hình thực tế nhu cầu xã hội, làm sao phải vừa thực hiện công tác bảo tồn, vừa phát huy tốt giá trị di sản thông qua việc kết hợp một cách hài hòa, hợp lý giữa công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử (di tích tôn nghiêm, tâm linh – Khu Mộ Cụ Phó Bảng) với hoạt động tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm (ở Khu vực Làng Hòa An xưa)…là một bài toán khó, rất cần những giải pháp cụ thể đặt ra cho các cấp quản lý không chỉ đối với Ban Quản lý Khu di tích (đơn vị quản lý trực tiếp), mà rộng hơn nữa là những “chủ trương” của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong tình hình mới.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc xác định nhu cầu đối tượng tham quanđể phát huy giá trị di sản thông qua những hoạt động giáo dục, trải nghiệm

Di tích lịch sử - văn hoá bao giờ cũng đến từ quá khứ, nhưng di tích không đơn thuần chỉ là quá khứ, mà trong thực tế từng di tích đã và đang mang hơi thở của thời đại. Vì thế cần xác định di sản phải thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ của đời sống đương đại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản này chính là sự đóng góp cho phát triển bền vững.

Trong nhiều năm qua, thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh, Khu di tích đã xây dựng chương trình hoạt động, trong đó đề ra giải pháp cụ thể là hướng đến xác định các định đối tượng tham quan du lịch để thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích.

Bắt đầu từ năm 2017, đơn vị đã xây dựng kế hoạch trải nghiệm “Một ngày hoạt động của em tại Khu di tích” dành cho đối tượng là các em học sinh tiểu học & Trung học cơ sở; chương trình “Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài trường học” thông qua “Địa chỉ đỏ” dành cho đối tượng học sinh Trung học phổ thông & Sinh viên, các chương trình này đang triển khai, được các trường học trong và ngoài Tỉnh hưởng ứng tích cực, bước đầu gặt hái những kết quả đáng khích lệ.

Đối với tấm lòng người dân miền Nam nói chung, người dân Đồng Tháp nói riêng, và nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thì Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Nơi đây vừa là di tích tưởng nhớ tri ân công lao của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vừa là điểm sinh hoạt truyền thống để các Đoàn thể tổ chức Lễ báo  báo công, kết nạp Đoàn, Đội, hoặc Lễ tuyên dương cá nhân tiêu biểu.

Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc sẽ góp phần đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong sống trong thiếu niên, học sinh & sinh viên khi đến tham quan, sinh hoạt tại đây. “Địa chỉ đỏ” này giúp các đối tượng thiếu niên, học sinh - sinh viên hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống văn hóa của đất nước, của quê hương. Đó là một sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động định hướng cho thanh các em tiếp thu những mặt tích cực, tiên tiến của giá trị di sản, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã và đang tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử đối với cộng đồng. Đơn vị đã nghiên cứu, học tập vận dụng sáng tạo những nội dung, giá trị cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, việc ứng xử văn minh trong giao tiếp, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy hết lòng hết sức phục vụ nhân dân nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, tại Khu di tích hiện đang xây dựng công trình nhà trưng bày: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam”, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm nay. Công trình này có ý nghĩa quan trọng và rất thiết thực cho việc học tập, nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đồng thời tạo sự lan tỏa ý nghĩa, mục đích việc học tập và thực hiện Di chúc của Bác, qua đó nâng cao nhận thức, hành động của mỗi người trong thực hiện nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.

Vũ Quyên