Xuất bản thông tin

null Hình tượng Ngỗng Thần Hamsa thể hiện qua các hiện vật gốm được khai quật tại Khu di tích Gò Tháp

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

Hình tượng Ngỗng Thần Hamsa thể hiện qua các hiện vật gốm được khai quật tại Khu di tích Gò Tháp

Hamsa được xem là một loài linh điểu và là vật cưỡi của thần sáng tạo Brahma, tượng trưng cho trí tuệ thông thái và sự thiêng liêng, thuần khiết của nền văn hoá Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Chính vì thế, hình tượng của ngỗng thần Hamsa được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật như: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, mỹ thuật và trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân loại. Đặc biệt biểu hiện rõ nhất trong nghệ thuật tạo hình của cư dân Óc Eo qua các sản phẩm làm từ gốm được tìm thấy ở Khu di tích Gò Tháp. Từ đó có thể thấy rằng Hamsa được tôn kính như một vị thần linh và hình tượng Hamsa đã được sử dụng khá rộng rãi, phổ biến trong đời sống hàng ngày của cư dân cổ.

Trong đợt khảo sát, khai quật khảo cổ ở Khu di tích Gò Tháp, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 31.312 hiện vật gốm với 1.880 mảnh vòi bình Kendi xung quanh khu vực di tích Gò Minh Sư năm 2013, trong đó có 02 chiếc vòi bình được làm thành hình ngỗng Hamsa. Kích thước chiếc vòi bình thứ nhất: 8,0 x 6,0 x 5,5 cm và vòi bình thứ hai 9,5 x 5,5 x 4,5 cm. Cả hai vòi bình đều có dạng hình đầu ngỗng với đầy đủ các chi tiết của khuôn mặt như mắt, mỏ,... bên trong có lỗ tròn thông từ cổ đến mỏ để rót nước. Hai hiện vật được làm từ đất sét pha bã thực vật, bên ngoài hiện vật có màu xám trắng. Niên đại khoảng thế kỷ VI - VII.

Vòi bình hình đầu ngỗng Hamsa (nguồn tư liệu BQL Khu di tích Gò Tháp)

Hai chiếc vòi bình trên đều mang những đặc trưng chung của loại hình vòi bình trong văn hóa Óc Eo. Phần đầu vòi được tạo thành hình động vật ưa thích như ngỗng Hamsa. Phần vòi bình được chế tạo riêng, có mặt cắt trong là dạng hình phễu, phần dáng và thân bình thường được rạch nhiều rãnh để tạo độ bám khi gắn vào thân bình. Ngoài loại hình vòi bình có phần đầu vòi được tạo hình ngỗng Hamsa còn có vòi hình búp sen, hình đầu Linga,…đã bổ sung thêm bộ sưu tập về loại hình vòi bình Kendi ở khu vực Gò Tháp.

Bên cạnh đó, qua việc phát hiện 02 vòi bình hình ngỗng đã góp phần cùng với quá trình nghiên cứu kết hợp phân loại, chỉnh lý hiện vật với phân tích địa tầng có thể bước đầu nhận định các giai đoạn phát triển của loại hình vòi bình và trình độ thẫm mỹ tinh xảo trong nghề làm gốm của cư dân cổ sống trong Khu di tích Gò Tháp lúc bấy giờ. Giai đoạn đầu là sự chiếm ưu thế của những vòi bình làm bằng chất liệu thô pha bã thực vật, xương gốm đen, áo gốm màu xám trắng hoặc đỏ. Những vòi này có dáng bầu tròn, ngắn, thô; phần đầu vòi không có ngấn (nhẫn) hoặc nếu có thường làm dạng đầu Linga tức là phần ngấn được làm gần sát phần miệng vòi, giống như đầu mút, phần nhẫn cong tròn và không có rãnh để làm nổi rõ phần nhẫn, chiều dài thường từ 4-5 cm.  Về sau có xuất hiện những vòi có hình dáng nhưng có chất liệu được chọn kỹ hơn, gần như gốm mịn. Giai đoạn hai là sự chiếm ưu thế gần như tuyệt đối của những chiếc vòi dáng thanh mảnh, tinh tế hơn, dùng chất liệu là gốm mịn hoặc gốm mịn pha cát nhỏ (lớp 1,2 và lớp mặt các hố). Vòi bình này có phần đường kính nhỏ hơn nhưng chiều dài lớn hơn vòi bình sớm. Tuy nhiên nếu so với các vòi bình ở những di tích văn hóa Óc Eo khác lại vẫn ngắn hơn. Vòi bình giai đoạn này thường có màu đỏ, đỏ nhạt hoặc trắng, xương gốm trắng hoặc đen. Thân vòi có 2 ngấn nổi rõ, nằm sát nhau, một ngấn to ở phần ở gần miệng vòi, ngấn thứ hai nằm sát về phía chân vòi, nhỏ và thấp hơn, có rãnh ngăn cách giữa hai ngấn. Một loại khác chỉ có một ngấn to nổi rõ, sát phần chân có những rãnh nhỏ tạo thành một gờ nhỏ. Nhìn chung loại hình vòi ưa thích của cư dân nơi đây là loại vòi ngắn, có ngấn, thường là 2 ngấn, ít thấy những dạng vòi uốn cong hình vòi voi của các bình Kendi giai đoạn muộn.

Từ các di chỉ kiến trúc, chi chỉ cư trú và di vật đã được phát hiện và nghiên cứu tại Khu di tích Gò Tháp trong thời gian qua cho ta thấy rằng nền văn hóa của cư dân cổ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Ấn Độ mang sắc thái của tín ngưỡng Hindu giáo và Phật giáo từ Ấn Độ. Qua những hình ảnh chiếc vòi bình hình ngỗng thần Hamsa ta có thể phần nào thấy được con người luôn đặt niềm tin vào sức mạnh kiên cường, chở che, bảo vệ của các vị thánh thần và đối tượng linh thiêng, đồng thời họ cũng đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm bình gốm với nhiều hình tượng khác nhau phục vụ cho đời sống vật chất, tinh thần của mình thời ấy. Thông qua cách trang trí hoa văn trên vòi bình thể hiện trình độ phát triển cao trong nghệ thuật thẫm mỹ của cư dân cổ nơi đây, với phong cách đậm chất bản địa không thể lẫn lộn với nền nghệ thuật nào khác. Nó phản ánh được đời sống tinh thần phong phú đầy sáng tạo của cư dân cổ Óc Eo ở Nam bộ. Tất cả những thành tựu đó đã góp phần làm phong phú thêm những hiểu biết về đời sống của người Phù Nam ở Nam bộ nói chung và Gò Tháp nói riêng.

Tác giả: Phạm Thị Hương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Văn Thắng 2013, Báo cáo ba đợt khai quật Khu di tích Gò Tháp năm 2013. Tư liệu Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp 2017, Gò Tháp – Di tích quốc gia đặc biệt, tái bản lần thứ 1, có bổ sung, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ.

3.  Huỳnh Thị Được 2005, Điêu khắc Chăm và Thần thoại Ấn Độ, Nxb Đà Nẵng.