Xuất bản thông tin

null Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật khảo cổ năm 2021 tại Khu di tích Gò Tháp

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật khảo cổ năm 2021 tại Khu di tích Gò Tháp

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học (thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật khảo cổ năm 2021 tại Khu di tích Gò Tháp.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Thương – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và TS Nguyễn Gia Đối – Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười và xã Mỹ Hòa, Tân Kiều.

Tại Hội nghị, Viện Khảo cổ học đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ, lập hồ sơ khoa học đánh giá giá trị Văn hóa Óc Eo, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp năm 2021. Theo đó, Viện Khảo cổ học đã thực hiện xây dựng lưới tọa độ di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp; tập hợp, nghiên cứu và chỉnh lý hồ sơ tư liệu, các báo cáo khai quật khảo cổ, các tư liệu trên hiện trường về các di tích đã phát hiện đang lưu giữ tại Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp và Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp; tổ chức thăm dò 25m2 và khai quật khảo cổ 475m2 tại di tích Gò Mộ, di tích phía Tây Gò Tháp Mười và di tích Đìa Phật. Kết quả khai quật đã phát hiện di tích kiến trúc văn hóa Óc Eo tại di tích Gò Mộ và di tích phía Tây Gò Tháp Mười; phát hiện di tích cư trú của cư dân văn hóa Óc Eo ở di tích Đìa Phật cùng nhiều mảnh vỡ đồ gốm và vòi bình gốm, mảnh vỡ bếp cà ràng, chày đá,.... . Kết quả này là những bằng chứng chứng minh cho tính toàn vẹn và tính xác thực của di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp, sự giao lưu, hội nhập với văn hóa Ấn Độ vào đời sống văn hóa - xã hội của cư dân văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp, góp phần khẳng định Khu di tích Gò Tháp từng là một trung văn hóa lớn, tiêu biểu nhất của vương quốc Phù Nam (theo tiêu chí di sản văn hóa Thế giới).

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp cũng thông qua báo cáo rà soát việc thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp trong thời gian qua và Kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn 2030 để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học về các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong việc bảo quản, kéo dài tuổi thọ các hạng mục di tích khảo cổ đã được khai quật, phát lộ. Đề xuất mô hình, sản phẩm du lịch đặc trưng tại Khu di tích Gò Tháp nhằm thu hút khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu xung quanh kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ và dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Theo đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kiến nghị tiếp tục thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ để làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa Óc Eo và phạm vi phân bố các di tích trong Khu di tích Gò Tháp. Từ đó khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp trong quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Nam bộ phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa Thế giới.

Hội nghị đã diễn ra trong không khí trang trọng, khoa học, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.       

Hình ảnh Hội nghị

Đại biểu tham quan công trường khai quật tại di tích Đìa Phật

Quang cảnh hội nghị

Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Ngọc Thương phát biểu tại Hội nghị

Quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học Nguyễn Gia Đối phát biểu tại Hội nghị

Tin, ảnh: Phùng Quốc Danh