Xuất bản thông tin

null Dấu ấn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Chi tiết bài viết Tin tức

Dấu ấn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là Phong trào) trên địa bàn tỉnh 20 năm qua (2000 - 2020) đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào đã để lại nhiều dấu ấn mới, nhất là diện mạo ở các xã vùng nông thôn, đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng lên, giá trị văn hóa (VH) truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam được người dân giữ gìn, phát huy và ngày một lan tỏa.

Các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh được người dân trồng hoa góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp

Giai đoạn 2000 - 2020, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào các cấp đã đề ra các chỉ tiêu hàng năm về xây dựng gia đình VH, ấp VH nông thôn mới, khóm văn minh đô thị và vận động người dân thực hiện. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu hàng năm, công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, các ban, ngành thành viên BCĐ Phong trào các cấp tích cực thực hiện nhiều giải pháp giúp đỡ, nâng cao đời sống người dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để cải thiện kinh tế gia đình. Các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ nghèo, khó khăn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Đồng thời thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cũng huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, đã xây dựng trên 3.255 căn nhà Đại đoàn kết, 246 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa 1.942 căn nhà,... giúp người nghèo, khó khăn ổn định đời sống.

Cũng qua thực hiện Phong trào trong thời gian qua, các địa phương đã xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến gắn với các tiêu chí về giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như: “Tổ nhân dân tự quản”, “Đoạn đường 3 sạch”, “3 hộ khá giàu giúp 1 hộ nghèo”,... Thông qua các mô hình đã khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo của người dân, huy động sự tham gia của người dân trên các lĩnh vực. Nhiều gia đình, cá nhân đã hăng hái lao động, sản xuất, kinh doanh, góp sức xây dựng, sửa chữa các công trình cầu, đường nông thôn, hiến đất làm đường nông thôn, giữ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở địa phương. Giai đoạn 2000 - 2020, người dân toàn tỉnh đã hiến hàng trăm ngàn mét vuông đất, đóng góp trên 1,1 triệu ngày công lao động để xây dựng cầu, đường nông thôn, góp phần giúp các địa phương hoàn thiện hệ thống giao thông, cải thiện bộ mặt nông thôn, đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Các thiết chế VH ở cơ sở cũng được tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 9 thư viện cấp huyện; 143 phòng đọc sách cấp xã, phường, thị trấn; 93/117 xã có Trung tâm VH - Học tập cộng đồng; 293 Nhà VH ấp; tại các khóm, ấp có nhiều sân bóng đá, bóng chuyền. Các hoạt động VH, văn nghệ được tổ chức thường xuyên ở cơ sở với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gắn với tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ VH tinh thần của người dân.

Với sự đồng lòng của chính quyền và người dân trong thực hiện Phong trào 20 năm qua đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống người dân được nâng lên, nhiều ngôi nhà khang trang, các tuyến đường, cầu nông thôn được kiên cố hóa phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Song song đó là ý thức chấp hành pháp luật người dân được nâng lên; tình làng nghĩa xóm được gắn kết, vun đắp; các giá trị VH truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được các gia đình giữ gìn, phát huy. Trung bình giai đoạn 2000 - 2020, toàn tỉnh tỷ lệ khóm, ấp VH bình quân đạt 81,38%/năm; tỷ lệ gia đình VH bình quân đạt 81,62%/năm; có 97.862 gương người tốt, việc tốt được biểu dương khen thưởng... Những kết quả đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở VH, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Phong trào tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, BCĐ Phong trào tỉnh đặt mục tiêu nâng chất lượng các danh hiệu VH, đặc biệt là danh hiệu gia đình VH nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống VH. Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ gia đình VH đạt 92%; 95% ấp, xã đạt VH nông thôn mới; giảm bạo lực gia đình còn 15%.

Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu trên, ông Nguyễn Ngọc Thương cho biết: “BCĐ Phong trào tỉnh tiếp tục tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ VH cơ sở để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện Phong trào trong tình hình mới; duy trì, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; nâng chất lượng công tác bình xét các danh hiệu VH; tiếp tục lồng ghép thực hiện Phong trào với các cuộc vận động, phong trào khác nhằm đưa Phong trào ngày một phát triển và đi vào chiều sâu, chất lượng”.

Theo Mỹ Xuyên - baodongthap.vn