Xuất bản thông tin

null GÒ THÁP - NƠI LƯU GIỮ NHỮNG DI SẢN VÔ GIÁ CỦA NỀN VĂN HÓA ÓC EO

Chi tiết bài viết Tin tức

GÒ THÁP - NƠI LƯU GIỮ NHỮNG DI SẢN VÔ GIÁ CỦA NỀN VĂN HÓA ÓC EO

Qua các đợt thăm dò và khai quật khảo cổ, Khu di tích Gò Tháp đã đóng góp thêm một số lượng lớn nguồn sử liệu cho công tác nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam ở Nam bộ. Nguồn sử liệu này không chỉ phục vụ công tác trưng bày, giáo dục, nghiên cứu toàn diện về lịch sử - xã hội - văn hóa - tộc người ở Đồng Tháp mà còn cho cả Nam bộ và cả nước.

Những ghi nhận sớm nhất về khảo cổ học ở Khu di tích Gò Tháp vào khoảng những năm 1881, do Đại úy Silvestre - một thanh tra người Pháp làm việc tại Sa Đéc thông báo trên tạp san của Hội Địa lý học Rodnefort việc ông phát hiện được một bánh xe bằng đá và dấu tích phần móng của một ngôi tháp cổ. Từ đó đến nay, các nhà khảo cổ đã xác định Khu di tích Gò Tháp là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam. Nơi đây lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Khu di tích Gò Tháp lưu giữ nhiều di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo cùng nhiều ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú,… trong đó có những di tích kiến trúc có giá trị đặc biệt, tiêu biểu trong số đó như: Di tích đền thần Vishnu (Gò Tháp Mười) được khai quật từ năm 1998. Tại di tích này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hai tượng thần Vishnu (đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật quốc gia); Di tích đền thần Mặt trời phía Nam chùa Tháp Linh. Ở trung tâm của di tích, ngay dưới độ sâu 0,2m đã tìm thấy đá được xếp thành hình tròn. Bên dưới của vòng tròn này, ở độ sâu 1,37m tìm được 2 mảnh vàng: 1 mảnh có vòng tròn hình mặt trời có 8 tia hoặc là bánh xe có 8 nan của chiếc xe mặt trời và 1 mảnh có hình tia mặt trời; Di tích đền thần Mặt trời (Gò Bà Chúa xứ) được khai quật từ năm 1984. Bề mặt của nền kiến trúc ở phía Đông có 64 ô vuông như dạng bàn cờ, chính là sự thể hiện của núi thiêng Mêru trong Hindu giáo. Trung tâm nền kiến trúc có xếp hình Mặt trời tám cánh, xếp bằng tám viên gạch chỉ theo bốn hướng chính và bốn hướng phụ của địa bàn; Di tích đền thần Shiva (Gò Minh Sư) được khai quật vào năm 2009. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã tìm được một nhẫn vàng 5 chỉ 8 phân và một máng nước thiêng Somasutra; Di tích đền nữ thần Uma phía Tây Gò Minh Sư được khai quật năm 2013. Các nhà khảo cổ cũng tìm được nhiều hiện vật có giá trị tại di tích này như 01 linga hai tầng, 01 bộ linga – yoni và các mảnh vàng lá trong đó có những mảnh vàng khắc hình bò thần Nadin.

Bên cạnh các di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo còn có các di tích ao thần dùng để chứa nước cho sinh hoạt hoặc gắn với các nghi lễ tôn giáo. Cho đến nay, ở Khu di tích Gò Tháp đã tìm được 03 di tích ao thần. Trong đó: Di tích Ao thần Gò Tháp được phát hiện vào năm 2010, nằm ở phía Tây Gò Tháp Mười. Ao có dạng gần vuông, có diện tích khoảng 10.000m2 dùng để chứa nước dùng trong sinh hoạt của cộng đồng cư dân thời văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp; Di tích Ao thần Gò Minh Sư được phát hiện năm 2013 và Di tích Ao thần Gò Tháp Mười được phát hiện vào năm 2015 là các Ao thần dùng để chứa nước dùng trong các nghi lễ tôn giáo tại đền thần Shiva Gò Minh Sư và đền thần Vishnu Gò Tháp Mười.

Khai quật khảo cổ tại Khu di tích Gò Tháp

Di tích đường đi do cư dân Óc Eo xây dựng cũng được phát hiện trong đợt khai quật di tích Gò Tháp Mười vào năm 2015. Đường đi được xây bằng gạch, nằm ở phía Đông di tích đền thần Vishnu Gò Tháp Mười, là đường đi dẫn lên trung tâm đền , chạy dài theo hướng từ Đông sang Tây, có chiều rộng trung bình khoảng 5,0m, chiều dài là 14,8m nhưng còn có dấu hiệu kéo ăn sâu vào phế tích Tháp Mười Tầng và hướng ra trục đường chính (đường D2).

Qua nghiên cứu khảo cổ, cũng đã xác định được các di tích cư trú kết hợp làm nơi chế tác của cư dân văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp phân bố xung quanh chân Gò Minh Sư và di tích phía Tây Gò Minh Sư. Ngoài ra, trước đây, trong quá trình lao động sản xuất, người dân địa phương đã phát hiện và giao nộp nhiều tượng Phật gỗ tìm được tại di tích Đìa Phật – Đìa Vàng. Năm 2013, di tích được khai quật, bên cạnh việc phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có một pho tượng Phật gỗ, đợt khai quật này còn phát hiện được dấu vết của di tích kiến trúc nhà ở của cư dân Óc Eo. Các nhà khảo cổ đã xác định di tích Đìa Phật – Đìa Vàng là di tích cư trú kết hợp xưởng chế tác tượng Phật gỗ lớn ở Nam bộ thời văn hóa Óc Eo.

Bên cạnh các di tích kiến trúc, nhiều bộ sưu tập cổ vật độc đáo của cư dân thời văn hóa Óc Eo cũng được tìm thấy ở Khu di tích Gò Tháp như: 02 tượng tượng thần Vishnu chất liệu bằng đá sa thạch được đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia; hơn 30 pho tượng Phật bằng gỗ, các tượng Phật đều được tạc trong tư thế đứng thuyết Pháp, mang phong cách nghệ thuật Amaravati của miền Nam Ấn Độ;  bộ sưu tập 400 hiện vật vàng các loại. Nổi bật nhất trong số đó là 49 hiện vật nguyên vẹn có tổng trọng lượng 16 chỉ, 8 phân, 51 ly, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ sưu tập hiện vật vàng Văn hóa Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam” vào ngày 24/11/2014.

Tượng thần Vishnu (Bảo vật Quốc gia khai quật được tại Khu di tích Gò Tháp)

Ngoài ra, trước đây, các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm được ở Khu di tích Gò Tháp tám bản bia ký. Trong đó, bản minh văn trên bia ký mang ký hiệu K5 được xem là quan trọng nhất, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh. Nội dung bia ký K5 cho biết vua Phù Nam Jayavarman đã cử Thái tử con mình tên là Gunavarman đến cai quản “xứ sở sùng đạo được chinh phục từ đầm lầy” và việc vị thái tử này dâng cúng hai bàn chân thần Vishnu để cầu mong sự bảo vệ của thần cho xứ sở của Ngài.

***

Với hàng chục di tích, cùng hàng nghìn cổ vật đã được phát hiện tại Khu di tích Gò Tháp, đây chính là những bằng chứng xác thực minh chứng cho Gò Tháp là một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo thuộc nền văn hóa Óc Eo, một thủ phủ của một tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam. Đây cũng chính là bằng chứng để chứng minh tính toàn vẹn và tính xác thực cho quần thể di tích Óc Eo ở Gò Tháp trong hồ sơ khoa học đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là Di sản văn hóa Thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo tàng Đồng Tháp (2012), Lý lịch khu di tích Gò Tháp, Tư liệu Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp.

2. Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp (2016). Gò Tháp Di tích quốc gia đặc biêt, tái bản lần 2, có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ

3. Đặng Văn Thắng (2017). Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, NXB. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

4. Nhiều tác giả (2017), Kỷ yếu hội thảo “Giá trị của di sản văn hóa Óc Eo – An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội”, NXB. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Tác giả: Phùng Quốc Danh