Xuất bản thông tin

null Nét đặc trưng của chiếu Định Yên

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

Nét đặc trưng của chiếu Định Yên

Làng chiếu Định Yên thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã hình thành khoảng trên 100 năm và là điểm thu hút khách du lịch tham quan của tỉnh Đồng Tháp. Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9 năm 2013.

Chiếu là sản phẩm rất gần gũi với đời sống người dân và nghề dệt chiếu cũng xuất hiện ở khá nhiều nơi. Chiếu Định Yên đã trở thành thương hiệu và nét đặc trưng riêng.

Chiếu Định Yên được dệt từ lác và bố hút ẩm tốt hơn chiếu được dệt bằng nilon. Chiếu nilon tuy đã tiêu thụ mạnh trên thị trường nhưng người dân vẫn còn lưu luyến với hương vị đồng quê, bưng, lác, cói… bao nhiêu lác là bấy nhiêu…“tơ”. Chiếu Định Yên, có thể sánh vai với chiếu Năm Căn (Cà Mau) và chiếu Tà Niên (Rạch Giá, Kiên Giang).

Làng chiếu Định Yên nằm gần nguồn nguyên liệu. Đất cồn, bãi bồi ven sông thích hợp cho việc trồng lác. Cây lác cấy trồng một lần, có thể cho thu hoạch khoảng 10 năm, khi lác cỗi mới nhổ cấy lại. Chăm sóc tốt, có thể thu hoạch 3 mùa trên một năm.

Các cồn trên sông Hậu như cồn Bà Hòa, cồn Vàm Cống… có trồng lác gon, đến mùa cả xóm đi mua về chẻ, phơi rồi chia nhau dệt chiếu. Qua thời gian, nguồn lác ở các cồn này ngày một ít, dân nghề đi mua lác ở các cồn phía Sa Đéc (sông Tiền).

Làng dệt chiếu Định Yên có “chợ chiếu đêm”. Nơi đây không những là đầu ra cho sản phẩm mà nó còn góp hình thành thương hiệu cho chiếu.

Ban ngày, mọi người, nhất là nữ giới đều bận rộn với công việc gia đình, se trân, phơi lác, phơi bố, nhuộm lác, dệt chiếu… Đêm đến, mọi người cùng đến chợ, điểm đặc biệt của chợ chiếu đêm là người mua sản phẩm chiếu ngồi tại chỗ, còn người bán thì di chuyển. Họ vác chiếu, tay cầm đèn đến điểm những người thu mua, xem hàng, trao đổi ngã giá theo nguyên tắc: “thuận mua, vừa bán”.

Thuở trước, gần vàm Ngã Ba (cạnh Ủy ban nhân dân xã hiện nay) đã có họp chợ trao đổi – mua bán chiếu…

Chợ chiếu được họp từ lúc nửa đêm, bạn hàng gần xa tụ họp về, những ngọn đèn dầu cá, dầu Hoa Kỳ (dầu lửa) thắp sáng cho người mua, kẻ bán. Với nét đặc trưng đó, người ta gọi đó là “chợ Ma” (có thể đây là sự vay mượn từ khái niệm “chợ Âm phủ” trong truyện dân gian).

Tin: Dương Văn Triêm, ảnh: Hoàng Sang