Xuất bản thông tin

null Vài nét về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

Vài nét về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (tên thật là Nguyễn Sinh Huy) sinh năm Nhâm Tuất 1862 tại xã Chung Cự, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân. Cha là Nguyễn Sinh Nhậm, mẹ là Hà Thị Hy. Lên ba tuổi mồ côi cha, bốn tuổi mẹ qua đời, phải về ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ.

Lúc nhỏ, cậu bé Sắc rất thông minh và hiếu học, nhà anh Trợ nghèo nên cậu thường phải ngồi học trên lưng trâu; năm 16 tuổi, được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (làng Chùa) nhận về nuôi dạy, với bản tính hiếu học, thông minh nên cậu trở thành học trò giỏi có tiếng trong vùng. Đến năm 22 tuổi (1883), Cụ được nhà nho Hoàng Xuân Đường gả con gái lớn là Hoàng Thị Loan và lần lượt hạ sinh bốn người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (mất lúc nhỏ).

Năm Giáp Ngọ (1894), Cụ đỗ Cử nhân, năm Tân Sửu (1901), Cụ đỗ Phó Bảng, nhưng Cụ từ chối làm quan, về quê dạy học, sống hoà mình với đồng bào nghèo khổ, tìm bạn đồng tâm bàn việc nước và đặc biệt chú trọng việc giáo dục con cái. Năm 1906, khi không còn lý do thoái thác, Cụ đành phải ra nhận Hành tẩu Bộ Lễ. Năm 1909, Cụ vào Bình Khê (Bình Định) nhận chức Tri huyện.

Trong thời gian làm quan, Cụ tìm gặp và kết thâm giao với các nhà nho yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương Thúc Quý, Trương Gia Mô… Cụ luôn đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào ác bá.

Năm 1910, bị cách chức, Cụ đi vào các tỉnh phía Nam. Nam bộ là vùng đất mới phóng khoáng “Trọng nghĩa khinh tài” nên Cụ đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thành phần ở những nơi Cụ đến: Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp… và sang tận Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân.

Năm 1917 và nhiều năm sau, Cụ thường lui tới hoạt động ở Cao Lãnh. Đến năm 1927 về ở hẳn Cao Lãnh làm nghề hốt thuốc, trị bệnh và tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân. Do tuổi cao và bệnh nặng, Cụ qua đời vào ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ (nhằm ngày 27 tháng 11 năm 1929 dương lịch), hưởng thọ 67 tuổi tại làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Sau khi Cụ mất, nhân dân địa phương trong niềm thương yêu quý trọng đã góp tiền mua đất an táng cạnh Miểu trời sanh (tức Chùa Hoà Long ngày nay).

Cụ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng vị lãnh tụ xuất sắc của cách mạng Việt Nam: đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã đưa dân tộc từ kiếp nô lệ trở thành người làm chủ một đất nước độc lập. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều danh xưng từ Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất Thành rồi Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh.

Tư tưởng yêu nước thương dân của Cụ đã được nâng lên đỉnh cao trở thành tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc các nước thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới. 

Cả cuộc đời của Cụ đã mang hết tài năng, đức độ, cứu nước, cứu dân. Được nhân dân kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt. Cụ chọn Hòa An, Cao Lãnh làm nơi yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhân dân Đồng Tháp - đất Sen Hồng đã anh dũng, trung kiên đấu tranh trực diện với kẻ thù không kể ngày đêm để bảo vệ ngôi mộ Cụ cho đến ngày thống nhất đất nước.

Ngày nay, khu mộ Cụ sừng sững, trường tồn như đài sen trắng vươn lên trên đất Sen Hồng. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước và dòng họ Nguyễn Sinh trông coi Khu mộ, hương khói thờ cúng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt, đã đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu mộ ngày càng khang trang, trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, điểm du lịch ấn tượng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hằng năm, vào ngày 27 tháng 10 âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp cùng bà con ở các nơi trong cả nước hội tụ về tổ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trang nghiêm, trọng thể, đông vui, mang bản sắc ngày hội lớn của dân tộc./.

                                                                                 Kim Ngọc

(Nguồn: Tài liệu tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc 1862-1929 của Ban Tuyên giáo Tỉnh)