Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp xếp hạng 03 di tích cấp Tỉnh

Chi tiết bài viết Văn hóa - Gia đình

Đồng Tháp xếp hạng 03 di tích cấp Tỉnh

Ngày 15 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ký ban hành các Quyết định số: 1565/QĐ – UBND – HC; 1566/QĐ – UBND – HC; 1567/QĐ – UBND – HC xếp hạng di tích cấp Tỉnh đối với: Đình Mỹ Hội, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh; đình Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh và đình Tân Phú, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình.

1. Đình Mỹ Hội

Đình Mỹ Hội được xây dựng vào năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng, đáp ứng được phần nào nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của cư dân địa phương trong suốt quá trình khai hoang mở đất và phát triển cho đến ngày nay. Hiện đình còn lưu giữ 06 lá sắc phong Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị tôn thần, do vua Thiệu Trị và vua Tự Đức cấp. Đây chính là điểm sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của người dân. Có thể nói, sinh hoạt ở đình Mỹ Hội mang yếu tố tín ngưỡng dân gian, góp phần tô đậm giá trị truyền thống tích cực, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy chỉ mang tính chất địa phương, nhưng đó cũng là nhân tố cần được quan tâm gìn giữ và phát triển cùng với những mô hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh khác, thúc đẩy phát triển xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đình Mỹ Hội còn được chọn làm điểm để tập hợp người dân góp sức cho hoạt động cách mạng. Đặc biệt tại đình Mỹ Hội còn có các sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng như sau: Ngày 30 tháng 8 năm 1945, sau khi Mặt trận Việt Minh và chính quyền Cách mạng xã Mỹ Hội thành lập đã tổ chức mít tinh ra mắt nhân dân tại sân đình Mỹ Hội; Ngày 05 tháng 02 năm 1946 trước tình hình bọn thực dân Pháp, tay sai cùng các đảng phái phản động ngang nhiên cướp của, tái chiếm làm nơi đóng quân. Để ngăn cản sự chiếm đóng và thực hiện theo đường lối cách mạng thì đình Mỹ Hội đã hưởng ứng lời kêu gọi của chánh quyền Việt Minh “Tiêu thổ, kháng chiến” làm chậm đi bước tiến của giặc, và củng cố lực lượng cách mạng.

Mặc dù trong quá trình tồn tại, ngôi đình bị chiến tranh tàn phá, nhưng với tinh thần quyết tâm đoàn kết, người dân đã giữ và khôi phục lại các giá trị của ngôi đình. Qua đó biến nơi đây thành điểm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Di tích đình Mỹ Hội, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh

2. Đình Bình Hàng Trung

Đình Bình Hàng Trung xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ XIX, được vua Thiệu Trị và Tự Đức ban sắc phong thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải vào các  năm 1845 và 1853. Cũng như các ngôi đình làng khác ở Nam bộ, đình Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ra đời là kết quả của quá trình khai hoang lập ấp của những người dân miền Trung vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải với mong muốn được thần linh phù hộ, che chở trong đời sống, lao động sản xuất trên vùng đất mới.

Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, với biết bao sự thăng trầm, biến đổi của lịch sử, đình Bình Hàng Trung vẫn giữ được nét kiến trúc phổ biến,  những yếu tố nguyên trạng ban đầu khi mới tạo lập đình như: kết cấu khung cột, kèo, mái, …các hoành phi, liễn đối được chạm khắc, đắp nổi hoa văn tinh xảo với chủ đề: tứ linh, tứ quý… mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm yếu tố văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc; là một trong những ngôi đình tiêu biểu về kiến trúc đình làng Nam Bộ của tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Cao Lãnh nói riêng. Đình Bình Hàng Trung vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, làm chỗ dựa tinh thần cho dân làng Bình Hàng Trung đã bao đời nay; Đình là nơi thờ tự và an táng Nguyễn Văn Biểu - Một nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp xâm lược; Là địa chỉ đỏ - Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ xã Bình Hàng Trung, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Di tích đình Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh

3. Đình Tân Phú

Đình Tân Phú được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Qua quá trình thay đổi địa giới hành chính, hiện nay, đình nằm trên địa bàn thị trấn Thanh Bình nhưng đình vẫn giữ nguyên theo tên của làng trước đó là Tân Phú.

 Đình Tân Phú được vua Thiệu Trị ban cấp tổng cộng 06 đạo sắc phong cho thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và Đại Càng Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc tiêu biểu của đình làng Nam bộ: kiến trúc Tứ trụ kiểu nhà bát dần. Trên các nóc mái và diềm mái trang trí hình lưởng long tranh châu, cá hóa rồng bằng gốm men nhiều màu mang ý nghĩa âm dương hòa hợp, sự trường tồn vĩnh cửu và an cư lạc nghiệp. Bên trong ngôi đình được trang trí hệ thống bao lam, hoành phi trải dài từ gian Vỏ ca đến gian Chánh điện. Bao lam được chạm lọng một cách tinh xảo với đề tài tứ linh, hoa lá, hổ phù…tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Đình Tân Phú còn là nơi chứng minh trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp: Là địa điểm đã diễn ra sự kiện tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân địa phương của thầy Nhứt Lời – một đảng viên, Trưởng ty giáo dục tỉnh Long Châu Tiền. Thực hiện chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” của Mặt trận Việt Minh, đình Tân Phú cũng bị tháo dỡ, phần lớn những cây cột gỗ đều được trưng dụng làm vật cản tàu địch dưới sông Đốc Vàng Hạ – gần chợ Thanh Bình và cách đình khoảng 1km. Trong thời gian này, đình Tân Phú được chọn làm trạm tiền tiêu của Mặt trận Việt Minh. Ở ngoài cảng, ta cho người canh gác, khi có tàu địch càn quét, ta tiến hành đánh mỏ báo hiệu cho lực lượng của ta rút lui an toàn. Như vậy, đình Tân Phú chính là nơi hoạt động của chính quyền cách mạng trong giai đoạn sau năm 1945. Tiếp đó là sự kiện đầu năm 1951, đình đã bị lực lượng Hòa Hảo chiếm đóng và thành lập Đồn đình Tân Phú. Tháng 11 năm 1952, hai đại đội của Tiểu đoàn 311 đã tiến hành đánh đồn đình Tân Phú giành lại đình về tay nhân dân. Đây là sự kiện lịch sử đấu tranh vũ trang của cách mạng với nhiều giá trị lịch sử quý báu đối với quân và dân ta.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, đình là nơi giáo dục cho các thế hệ về tinh thần yêu nước, yêu lao động để cùng nhau chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp.

Di tích đình Tân Phú, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình

 

                       Tin, ảnh: Phước chung, Nhứt Lil, Châu Nam, Hà Văn Linh